Điều này sẽ giúp SEA Games không còn bị đánh giá là “ao làng” so với các nền thể thao lớn khác trên thế giới. Nếu làm tốt sẽ giúp hạn chế việc các quốc gia đăng cai SEA Games tìm cách đưa những môn thể thao mang tính truyền thống hoặc không phổ biến trên thế giới để giành bằng được ngôi dẫn đầu về số lượng huy chương, gây ra những tranh cãi cũng như khó đánh giá sự phát triển chung của thể thao khối ASEAN.
Có thể xem đây là một hành động có tính biểu tượng trong nỗ lực “giải cứu” chất lượng, nâng tầm SEA Games, thậm chí là giữ cho sự tồn tại của SEA Games một cách bền vững. Trên thực tế, việc kêu gọi SEA Games “thực chất hơn” đã được cất lên từ lâu, nhưng có lẽ phải đến khi những tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thể thao chung toàn khu vực thì sự thống nhất của các thành viên ASEAN mới hội tụ.
Đại dịch đã khiến hệ thống thể thao của nhiều quốc gia ngưng trệ, nguồn lực đầu tư bị thu hẹp, ngay cả các môn thể thao cơ bản được đầu tư trọng tâm cũng đối diện với nguy cơ sa sút do thiếu tài chính thì rõ ràng càng tổ chức SEA Games theo mô hình cũ sẽ dẫn đến rủi ro cho tương lai của đại hội.
Ở một góc độ khác, đăng cai SEA Games trong thời gian gần đây đã bị xem là gánh nặng đối với các quốc gia thành viên. Vì thế, “nghĩa vụ đăng cai” sẽ có ý nghĩa hơn nếu như SEA Games được đặt đúng trọng tâm, đúng nghĩa là nơi thiết lập một nền tảng vững chắc cho các VĐV Đông Nam Á chuẩn bị cho Asian Games và Olympic nhằm duy trì cam kết đấu trường SEA Games là một sân chơi hội tụ sự tinh hoa xuất sắc của thể thao ASEAN.
Nói cách khác, để cho sự cần thiết của SEA Games vẫn nguyên vẹn thì quá trình thi đấu tại đại hội cần thực chất hơn, mang ý nghĩa tranh đua minh bạch hơn. Chính vì tính chất quan trọng của đại hội mà Việt Nam nỗ lực hết sức để SEA Games 31 vẫn diễn ra vào quý 2-2022 trong bối cảnh cả nước đang còn khắc phục các tổn thất to lớn từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia mong muốn tái cấu trúc SEA Games với các môn thể thao sát sườn hơn với Asian Games và Olympic. Đó là trách nhiệm của chúng ta với cộng đồng ASEAN.
Tất nhiên, từ tuyên bố chung của lãnh đạo thể thao ASEAN đến một cuộc cải tổ toàn diện SEA Games vẫn còn một khoảng cách mà chính những người làm thể thao khu vực phải tìm sự đồng thuận. Nhưng rõ ràng, đấy là lựa chọn duy nhất của nền thể thao khu vực. Không thể nói là thành tích của thể thao Đông Nam Á ở Asian Games hay Olympic gần đây đã sa sút, nhưng rõ ràng cũng không thấy được các chuyển biến đột phá về chất lượng.
Trong các cuộc tranh tài lớn đó, VĐV đến từ ASEAN vẫn trông đợi không ít vào yếu tố may mắn hoặc những ưu thế đặc thù về truyền thống, hạng cân. Kể từ khi Philippines tham dự Olympic 1928 đến nay, các quốc gia Đông Nam Á chỉ giành được tổng cộng 21 HCV, con số quá ít ỏi so với 466 HCV của Nhật Bản hay 511 HCV của Trung Quốc.
Điển hình như Indonesia đóng góp 8 HCV thì cả 8 đều đến từ một môn duy nhất là cầu lông. Số lượng môn thi đấu đem về HCV cho Đông Nam Á cũng khá ít ỏi (4 môn: cử tạ, boxing, cầu lông và bắn súng). Việt Nam chính là quốc gia có đóng góp gần nhất cho sự đa dạng HCV thông qua chiến công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Rio de Janeiro 2016.
Cuối cùng, quyết tâm đi tìm sự thống nhất ngoài việc “giải cứu SEA GAMES” còn là biểu tượng cho quá trình gắn kết của cộng đồng ASEAN hướng đến sự hợp tác nâng cao tính cạnh tranh theo tinh thần của khu vực như các lĩnh vực khác.