Tái chế rác để bảo vệ môi trường

Bài học từ Thái Lan
Tái chế rác để bảo vệ môi trường

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, hiện nay trung bình mỗi ngày TPHCM thải ra 7.200 - 7.800 tấn rác sinh hoạt và 70% chi phí xử lý khối lượng rác khổng lồ này được trích từ nguồn ngân sách. Đây thực sự là gánh nặng cho thành phố nhất là khi lượng rác đang ngày một tăng theo tiến trình đô thị hóa…

Sản xuất phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp giúp cải tạo đất trồng không cần sử dụng hóa chất, bảo vệ môi trường. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Sản xuất phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp giúp cải tạo đất trồng không cần sử dụng hóa chất, bảo vệ môi trường. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Bài học từ Thái Lan

Trao đổi với các học viên lớp học trồng hoa lan tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, Tổng biên tập tạp chí Hoa Cảnh thuộc Hội Hoa lan cây cảnh TPHCM Nguyễn Thiên Tịch cho biết, tại Thái Lan có một khu chợ rất đặc biệt. Ban quản lý chợ đặt ở đây hai thùng chứa rác lớn. Một dành cho rác thải thực vật như rau, củ quả và một dùng cho rác thải động vật như ruột gà, vịt, tôm, cá… Bên cạnh hai thùng rác là hai thùng… đường. Mỗi khi có rác, tiểu thương trong chợ sẽ đem đến hai thùng rác này, tùy loại. Ban quản lý sẽ nhận rác và mỗi khi gom đủ 30kg rác, họ sẽ múc thêm cho đủ 3kg đường, trộn lại và bỏ vào thùng, đậy nắp lại. Nếu là rác động vật, ngoài 3kg đường, họ sẽ bỏ thêm vào hỗn hợp một trái thơm. Sau 11 ngày, từ hỗn hợp này sẽ chảy ra một loại nước dùng để tưới cây rất tốt. Thậm chí, để dội nhà vệ sinh cũng tốt vì nó có chức năng khử mùi. Nước này không hề hôi, ngay cả khi là nước chảy ra từ hỗn hợp rác động vật. Bã rác sau khi chảy hết nước có thể đem bón cho cây ăn quả. Nhờ có cách làm này, khu chợ luôn luôn sạch, mùi hôi thối, tanh tưởi đặc trưng của một khu chợ không còn. Ông Nguyễn Thiên Tịch cho biết, ông đã làm thử và dùng nước này để tưới cho cây lan cũng rất hiệu quả. Ông khuyến khích các học viên nên làm thử và nên coi đây là nguồn phân hữu cơ rẻ, tốt cho vườn lan.

 

* Theo Văn phòng biến đổi khí hậu TPHCM, rác thải có nguồn gốc hữu cơ là một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nặng nề do trong quá trình phân hủy, loại rác này phát tán mùi hôi thối, nước rỉ rác tạo nên khối lượng lớn khí metan (CH4), các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước ngầm cho khu vực xung quanh…

 

Cùng với câu chuyện của ông Nguyễn Thiên Tịch, tại Việt Nam cũng đã có nhiều địa phương chủ động hướng dẫn và tạo điều kiện cho người dân tái chế rác, sử dụng rác một cách hiệu quả.

Trên trang web của UBND tỉnh Hưng Yên cho hay, dự án “Xử lý rác thải tại gia đình nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường” do tỉnh hỗ trợ đã được triển khai thí điểm tại 3 địa phương của tỉnh là thôn Tiên Cầu thuộc xã Hiệp Cường, thôn Động Xá thuộc thị trấn Lương Bằng (Kim Động) và xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) từ năm 2012.

Quy trình xử lý rác khá đơn giản. Dụng cụ cần có là một thùng phi nhựa dung tích 200 lít, xung quanh khoan nhiều lỗ tròn có đường kính 1,5cm, bên dưới để một cánh cửa có diện tích khoảng 20cm². Nếu không dùng thùng phi, người dân có thể đào hố rác với kích thước 70cm x 70cm, sâu khoảng 1m.

Hàng ngày, các loại rác thải sinh hoạt trong gia đình được thu gom và phân loại gồm: lá cây, cỏ khô, cơm thừa, rau, quả hư hỏng, xác động vật chết… sẽ cho vào thùng phi hoặc hố rác đào sẵn. Sau đó, pha 0,2kg chế phẩm phân vi sinh gốc EM vào 5 lít nước. Cứ một lớp rác thải dày 30 - 50cm thì tưới từ 0,5 - 1 lít dung dịch chế phẩm và đậy kín nắp. Khoảng 30 ngày rác thải sẽ được các loại vi sinh vật phân hủy thành phân hữu cơ compost có lợi khi bón cho cây trồng. Việc tưới chế phẩm vi sinh gốc EM có tác dụng làm rút ngắn 1/3 thời gian xử lý hiếu khí, tiết kiệm năng lượng và không có mùi hôi bốc lên từ thùng/hố ủ.

Các loại rau, củ, quả như cà chua, cà rốt, bắp cải, đậu tương… khi được bón phân hữu cơ compost sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn (so với cây trồng đối chứng chỉ bón đơn thuần bằng phân hóa học hoặc phân tươi không qua ủ), không có ký sinh trùng gây bệnh như giun, sán…

Ở thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường, 100 hộ gia đình tham gia chương trình này đã giúp địa phương tiết kiệm được khoảng trên 100 triệu đồng/năm, trong đó có khoảng 43,8 triệu đồng/năm phí vận chuyển, xử lý rác ở nơi tập trung… đồng thời người dân cũng đã thu được khoảng 30 tấn phân vi sinh bón cho cây trồng trị giá khoảng 60 triệu đồng.

TPHCM có thể áp dụng

Là một đô thị “đất chật, người đông”… TPHCM không dễ áp dụng mô hình “xử lý rác tại nhà” như nhiều địa phương khác. Ngoài ra, trong nội thành việc trồng cây xanh cũng không phổ biến, do đó người dân cũng không có nhu cầu ủ rác, làm phân, bón cây…

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa không thể. Hội Liên hiệp Phụ nữ ở nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM đang có phong trào trồng rau sạch tại nhà. Tham gia chương trình này, người phụ nữ được hướng dẫn cách trồng rau đồng thời với cách bố trí vườn rau sao cho vừa là nguồn cung cấp thức ăn sạch cho gia đình, đồng thời có tác dụng giúp phủ xanh thành phố.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, đây chính là “đầu ra” cho các sản phẩm phân bón, ủ từ rác thải. Đơn giản nhất, người dân có thể ủ rác theo cách của Thái Lan với tỷ lệ rác và đường tương ứng tỷ lệ ông Nguyễn Thiên Tịch nêu. Đặt một thùng ủ rác nhỏ ở góc vườn, thậm chí nếu vườn trên sân thượng… là điều hoàn toàn có thể nằm trong tầm tay của mỗi người phụ nữ. Có rất nhiều cách ủ phân đơn giản từ rác được giới thiệu trên trang web của các hội khoa học, các trường đại học mà người dân có thể tham khảo.

TPHCM đang hoàn thiện Quy hoạch quản lý không gian điều tiết nước nhằm thích ứng hữu hiệu hơn với biến đổi khí hậu. Một trong những giải pháp quan trọng trong quy hoạch này là huy động sức dân tham gia quản lý nước và chống ngập.

Theo đó, tại mỗi gia đình, nên xây dựng một hồ chứa nước mưa nhỏ. Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TPHCM đã tính toán, nếu có một triệu hộ dân tham gia với mỗi hộ chỉ cần xây một hồ chứa dung tích 1m3 thì đã có tới 1 triệu m3 nước được chia sẻ với hệ thống thoát nước thành phố và điều này chắc chắn sẽ giúp TPHCM chống ngập hiệu quả hơn. Nhiều nước trên thế giới đã huy động sức dân tham gia giải quyết các vấn đề về môi trường, về ngập nước bằng các biện pháp tương tự như Hàn Quốc, Nhật Bản…

Tại sao Việt Nam mà cụ thể là TPHCM lại không thể? Nếu trước mắt khó thực hiện ở nội thành thì hãy bắt đầu ở ngoại thành, nơi đất rộng và nông nghiệp đang phát triển. Giảm gánh nặng chi phí xử lý rác cho TPHCM là việc nên làm và cần làm ngay, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Độc chất gây ung thư

Một số độc chất gây ung thư sinh ra từ ô nhiễm môi trường

- Polycyclic aromatic hydrocarbon (PAH) và benzo (a) pyren (BaP): Đây là các chất độc hại gây ung thư sinh ra từ khí thải của động cơ và các lò đốt công nghiệp sử dụng nhiên liệu than, củi, xăng… Khi hít phải các chất này thì PAH và BaP phản ứng kết hợp với DAN gây ra các biến dị làm tăng nguy cơ ung thư phổi, ung thư vùng bụng và ung thư thanh quản.

- Ethylene và ethylene oxide: Đây là các chất khí được hình thành trong suốt quá trình đốt cháy của động cơ và kể cả trong khói thuốc. Từ môi trường không khí, các chất này vào cơ thể, làm rối loạn cấu trúc của đại phân tử protein và DNA, từ đó tạo nên chất gây ung thư cơ bản.

- Polychlorobipheyl (PCB).PCB còn gọi là askerel là chất lỏng, cách điện, cách nhiệt tốt không ăn mòn và không bắt lửa được sử dụng rộng rãi dưới dạng các sản phẩm như: dầu nhờn, cồn dán, xi đánh giày, chất hút bụi, thuốc trừ sâu… PCB khi được trộn với chlorobenzene dưới tác dụng của nhiệt độ sẽ bị phân hủy thành nhiều chất dioxin cực độc hại dẫn đến ung thư ác tính.

- Bụi amian: Chất khoáng amian được chia làm hai nhóm chính: Nhóm amian trắng và nhóm màu xanh hay nâu… Bụi amian trong không khí hay sợi amian trong nước từ các mái nhà lợp phibroximan theo nước mưa chảy xuống là nguyên nhân gây nên các bệnh ung thư như phế quản, phổi, biểu mô. Bụi amian gây độc cho gen sinh ra biến dị. Thông qua đường hô hấp, các sợi amian xâm nhập vào phổi khi tiếp xúc với các tế bào ở túi hơi trong phổi sinh ra những mẫu oxigen phản ứng và cuối cùng gây độc tế bào, gây biến dị gen.

- Chất fenol có trong dầu vỏ hạt điều, là một chất độc trong môi trường nước, có khả năng gây ung thư. Nhưng độc độ của nó khi môi trường có thêm clo, sẽ tạo ra Clorua phenol sẽ tăng lên 4 lần.

Trên đây là những độc chất gây ung thư cơ bản và phổ biến nhất trong môi trường, từ hoạt động công nghiệp, sinh hoạt đô thị, khu dân cư, hay lối sống hàng ngày của chúng ta. Để hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra, chúng ta cần có những hiểu biết cụ thể về độc chất môi môi trường (chứ không phải chỉ là y tế) về nguồn gốc phát sinh, hoạt động trong môi trường để phòng tránh kịp thời. Nếu chỉ quan tâm triệu chứng bệnh không thôi thì khi phát hiện thấy đau thì đã quá trễ.

Bên cạnh đó, việc thực thi các quy định của pháp luật về sản xuất, sử dụng và đào thải độc tố gây ung thư ra môi trường phải được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, đối với mỗi người, tự xây dựng cho mình một môi trường sống, sinh hoạt phải sạch, lành mạnh tránh việc sử dụng các đồ ăn, thức uống không tốt cho sức khỏe và đặc biệt cần loại bỏ thuốc lá ra khỏi cuộc sống của chúng ta.

GS-TSKH Lê Huy Bá, Th.S Lê Đình Vũ
(Viện KHCN-QLMT, ĐHCN TPHCM)

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục