(SGGPO).- Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá 13 đến năm 2015 thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền Thủ tướng ký ban hành, vừa được gửi đến các đại biểu Quốc hội (QH). Một trong những nội dung được nhấn mạnh tại văn bản này là việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước.
Bản Báo cáo nêu rõ: Cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp Nhà nước đã được sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ; tạo khung pháp lý để khu vực này hoạt động bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, theo kế hoạch năm 2015, cả nước phải cổ phần hóa 289 doanh nghiệp thì đến hết tháng 8 mới cổ phần hóa được 95 doanh nghiệp Nhà nước, đạt 32,8%. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm đã thoái vốn được khoảng 8,39 nghìn tỷ đồng, thu về khoảng 12,38 nghìn tỷ đồng, bằng 1,48 lần giá trị sổ sách. Xét theo lĩnh vực, lĩnh vực bất động sản đã thoái 2,69 nghìn tỷ đồng, thu về 3,18 nghìn tỷ đồng; lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, tài chính là gần 1,3 nghìn tỷ đồng, thu về 1,35 nghìn tỷ đồng; bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác là 4,4 nghìn tỷ đồng, thu về 7,86 nghìn tỷ đồng... Đã có 23 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế trình Thủ tướng phê duyệt phương án sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Thủ tướng đã phê duyệt 19 phương án, trong đó bổ sung 106 doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2015 và 109 doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020.
Tốc độ sắp xếp doanh nghiệp trong những năm qua được đánh giá là còn tương đối chậm. Dù có những nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chính vẫn là các cấp, các ngành và doanh nghiệp chưa tích cực, nỗ lực khắc phục khó khăn để thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa. Một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa thì chưa tạo được chuyển biến về chất trong công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp và cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Báo cáo nêu trên cũng đưa ra những giải pháp để hoàn thành tái cơ cấu, cổ phần hóa, theo đó, các doanh nghiệp có điều kiện thì thực hiện IPO theo quy định; các doanh nghiệp chưa có điều kiện IPO thì chuyển thành công ty cổ phần (với cổ đông là Nhà nước, SCIC, người lao động, cổ đông bên ngoài) để đa dạng hóa sở hữu, tạo hàng hóa sẵn cho thị trường. Giải pháp thứ hai là lập danh sách những doanh nghiệp đã cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu nhưng số cổ phần bán được chưa đạt tỷ lệ theo phương án được phê duyệt hoặc không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ để có biện pháp thoái vốn theo lộ trình phù hợp. Giải pháp thứ ba là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; xử lý nghiêm các lãnh đạo doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Mặc dù vậy, qua nghiên cứu báo cáo, có vị ĐBQH đã bày tỏ băn khoăn về việc trong khi nguyên nhân chủ quan được xác định là đóng vai trò chủ yếu trong sự chậm trễ của tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, thì Báo cáo do Bộ trưởng Bùi Quang Vinh ký đã không chỉ rõ những vị lãnh đạo doanh nghiệp nào không hoàn thành nhiệm vụ trong lĩnh vực này.
ANH THƯ