Bộ Chính trị cho ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh 4 vùng trọng điểm

Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Sáng 5-7, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp, cho ý kiến về tổng kết 4 nghị quyết (21, 37, 39, 53) của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của 4 vùng (ĐBSCL, Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, trung du và miền núi phía Bắc). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị.

Kết quả thực hiện các nghị quyết ở các địa phương: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân của các vùng đều cao hơn mức bình quân của cả nước và vượt so với mục tiêu các nghị quyết đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 tăng khá cao, khu vực ĐBSCL tăng 2,5 lần, khu vực trung du và miền núi Bắc bộ tăng 3,6 lần so với năm 2004, khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung tăng 5,5 lần so với năm 2000, khu vực Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt 48,6 triệu đồng trong khi mức bình quân cả nước là 22,8 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của các vùng đều tăng. Tốc độ thu ngân sách giai đoạn 2005-2010 tăng cao so với giai đoạn trước, hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán ngân sách nhà nước giao.

Nhiều công trình cơ sở hạ tầng quan trọng được đầu tư xây dựng và hoàn thành, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ quan tâm đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang, các chuỗi đô thị trung tâm quốc gia, đô thị trung tâm vùng, trung tâm tỉnh lỵ... dần hình thành. Hệ thống các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp được quy hoạch, phát triển nhằm tận dụng thế mạnh về vị trí địa lý, lợi thế cạnh tranh của vùng, thúc đẩy phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách và tiếp thu khoa học công nghệ mới. Đến năm 2010, tất cả các tỉnh, huyện trong vùng đều có bệnh viện đa khoa, gần 100% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, trên 95% hộ dân được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Công tác giáo dục, dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách xã hội được chú trọng...

Phát biểu kết luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định các nghị quyết trước đây Bộ Chính trị ban hành là cần thiết, đến nay vẫn còn đúng đắn, cần tiếp tục thực hiện các tư tưởng chỉ đạo đó, đồng thời bổ sung thêm những tinh thần mới của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, trong đó một tư tưởng rất mới là tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tổng Bí thư tán thành việc chuẩn bị ra 4 kết luận cho 4 vùng nhưng cho rằng, nội dung các kết luận là vấn đề quan trọng. Cần nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng, đặc điểm của từng vùng, xác định rõ nội hàm của nó là kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, hay kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng an ninh, không thể có kinh tế thuần túy, không thể có kinh tế tách khỏi bảo vệ Tổ quốc. Cần làm rõ, vùng có vị trí, vai trò quan trọng như thế nào đối với khu vực và cả nước, nó có tính liên hoàn về kinh tế, về không gian, gắn kết với nhau, bổ trợ cho nhau để phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, khắc phục những mặt hạn chế, khó khăn của từng vùng như thế nào...

Thời gian qua, việc phát triển kinh tế vùng tác động đến cả nước như thế nào, đã đáp ứng yêu cầu đặt ra chưa, khi đánh giá kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết cần làm bật lên những nét đặc thù, những hạn chế lớn, trên cơ sở đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, xung quanh các câu chuyện về quy hoạch, liên kết vùng, cơ chế chính sách, chỉ đạo, phối hợp thực hiện.

Về phương hướng sắp tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần quán triệt các tư tưởng chiến lược, 3 khâu đột phá, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, trên cơ sở đó lựa chọn một số việc làm thiết thực để đưa nghị quyết vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển trên thực tiễn. Liên quan đến quy hoạch, phát huy lợi thế của từng vùng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, cả về đất đai, lao động, giáo dục - đào tạo, nhân lực, rồi tính chất liên kết giữa các vùng, trong nội vùng, cơ chế chính sách đặc thù cho từng vùng, công tác chỉ đạo phối hợp thực hiện...

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục