Dệt may, da giày là 2 ngành xuất khẩu (XK) chủ lực, giữ vị trí số 1 và 3 về kim ngạch XK của cả nước. Nhưng “có tiếng mà chưa có miếng” vì phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất. Làm chủ nguồn nguyên liệu tại chỗ để gia tăng giá trị thặng dự là bài toán đặt ra cho sự phát triển của 2 ngành này. Trong 5-10 năm tới, dệt may, da giày sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Với một chiến lược phát triển đầy tham vọng do Bộ Công thương đặt ra, dệt may, da giày sẽ có bước đột phá?
Kỳ vọng
Theo đề án quy hoạch phát triển tổng thể ngành dệt may, da giày đến năm 2015 và tầm nhìn 2020 do Bộ Công thương công bố đầu năm 2011, đến năm 2015 sản lượng sợi sản xuất đạt 500.000 tấn/năm, vải dệt đạt 1,5 tỷ m², kim ngạch XK đạt 18 tỷ USD, trong đó tỷ lệ nội địa chiếm khoảng 60%. Đến năm 2020, sẽ nâng tỷ lệ nội địa lên 70%, với 650.000 tấn sợi/năm, 2 tỷ m² vải dệt, kim ngạch XK đạt 25 tỷ USD.
Ngành da giày cũng có nhiều kỳ vọng, với hơn 59.500 tỷ đồng đầu tư cho phát triển ngành trong giai đoạn 2011-2020. Ngành da giày Việt Nam hướng tới những mục tiêu khả quan hơn, năm 2015 phấn đấu đạt 9,1 tỷ USD, tỷ lệ nội địa hóa đạt 60%-65%; năm 2020 đạt 14,5 tỷ USD, tỷ lệ nội địa 75%-80%.
Nhìn vào những con số, mục tiêu đặt ra ai cũng muốn và hy vọng. Tâm huyết để xây dựng phát triển ngành dệt may, da giày tốt hơn không phải bây giờ mới nói đến mà từ nhiều năm qua, chúng ta đã đặt nhiều mục tiêu nhưng chưa thực hiện được. Cách làm nào cũng có cả, từ đầu tư trồng bông đến xây dựng trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu. Ở thời điểm năm 2001-2002, diện tích trồng bông trên cả nước hơn 32.600ha. Nhưng đến niên vụ 2008-2009, chỉ còn dưới 3.000ha.
Ngành dệt sợi của Việt Nam xem như mất trắng nguồn cung nguyên liệu từ trong nước và phải nhập khẩu gần 100% bông xơ từ nước ngoài. Hiện nay, diện tích bông trồng tại Việt Nam hồi phục sản xuất lại chưa được 10.000ha. Khi nguồn nguyên phụ liệu trong nước chưa thể đáp ứng đủ, các doanh nghiệp đầu tư tiền tỷ xây dựng nhiều trung tâm giao dịch.
Nhưng Trung tâm Nguyên phụ liệu Sanding TAM của Công ty CP May Sài Gòn 2 (quận Tân Bình, TPHCM), rồi Trung tâm Nguyên phụ liệu dệt may, da giày của Công ty TNHH Liên Anh (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cũng đành chuyển công năng.
Bà Trương Thúy Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên Anh chia sẻ: “Nghĩ lại thấy trước đây mình hăng quá. Được sự động viên của lãnh đạo Bộ Công thương, tôi bắt tay đầu tư nhưng kết quả không như mình tưởng. Vị lãnh đạo tâm huyết với ngành về hưu thì dự án của tôi xem như cũng tiêu luôn. Giờ cái trung tâm rộng 8,5ha, đầu tư cả 100 tỷ đồng, hơn 2 năm nay đành phải cho các doanh nghiệp thuê làm kho chứa đồ”.
Lợi thế của “vùng trũng”
* Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8-2011, dệt may tiếp tục phá vỡ kỷ lục, đạt 1,4 tỷ USD kim ngạch XK. Tính cả 8 tháng năm 2011, XK dệt may đạt 9 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu vải, nguyên phụ liệu dệt may 8 tháng chỉ khoảng hơn 5,5 tỷ USD. Giày dép cũng đạt 4,2 tỷ USD trong 8 tháng, tăng hơn 29%. |
Các chuyên gia đánh giá, quá trình phát triển của ngành dệt may, da giày thế giới được ví như đường đi của lòng chảo! Quy luật này đi từ “mặt chảo” đến “đáy chảo”. Bắt đầu từ những nước phát triển, chuyển dần từ châu Âu sang châu Mỹ, rồi đến châu Á; từ các nước Anh, Pháp sang Brazil, Mexico, đến Nhật Bản, Hàn Quốc, rồi Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam... theo cấp độ xuống dần.
Theo số liệu thống kê, châu Á đang tăng nhanh thị phần cung ứng tại các thị trường tiêu thụ. Tại Mỹ, từ 52% của năm 2000 lên 75% trong năm 2009, EU tăng từ 47% lên 85%, Nhật Bản từ 82% lên 92%. Châu Á đang là xưởng may của thế giới!
Theo quy luật phát triển của “lòng chảo”, điểm chuyển tiếp sẽ là đâu? Chỉ còn châu Phi, nhưng các chuyên gia đánh giá, đây không phải là vùng đất của dệt may, da giày. Châu Phi hội đủ yếu tố lao động rẻ, dồi dào nhưng xét về tập quán, tính cách sinh sống thì lao động ở đây không bằng lao động châu Á ở khâu chịu khó, khéo léo tay nghề.
Dù Trung Quốc đã là cường quốc kinh tế đứng thứ 2 thế giới nhưng dệt may, da giày vẫn là ngành kinh tế quan trọng của họ. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế theo hướng tập trung vào những ngành công nghệ cao. Do vậy, đã có sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực.
Nhờ tận dụng sự dịch chuyển này, Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhà nhập khẩu thế giới. Liên tục trong 3 năm gần đây, tăng trưởng dệt may Việt Nam ở mức khá cao. Dù ảnh hưởng khó khăn của kinh tế thế giới, nhiều nước XK dệt may đạt tăng trưởng âm nhưng năm 2009, XK dệt may Việt Nam vẫn có tăng trưởng. Riêng trong năm 2011, liên tục từ đầu năm đến nay, tăng trưởng bình quân ở mức 30%.
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) nhận xét, so sánh tỷ lệ xuất và nhập, giá trị thặng dư thương mại của ngành dệt may hiện nay đang nâng dần khoảng cách. Lợi nhuận của XK dệt may hiện ở khoảng 30%-35%. Việc đẩy mạnh sản xuất cung ứng nguyên phụ liệu tại chỗ, nâng tỷ lệ sản xuất FOB (mua đứt, bán đoạn), ODM (tự thiết kế, may bán), ngành dệt may đang đặt mục tiêu sẽ nâng khoảng cách lợi nhuận lên 50% trong 1 - 2 năm tới.
Mỹ Hạnh