Tái cơ cấu ngân hàng - Người gửi tiền có nên lo ngại?

Hơn một tháng qua, sau khi có thông tin về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhiều người dân có tiền gửi trong hệ thống ngân hàng khá hoang mang. Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, hiện tượng rút tiền gửi ngân hàng, không chỉ ở ngân hàng nhỏ mà cả ở những ngân hàng lớn, đang diễn ra khá phổ biến. Liệu thông tin tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có đáng lo ngại đến mức như vậy?
Tái cơ cấu ngân hàng - Người gửi tiền có nên lo ngại?

Hơn một tháng qua, sau khi có thông tin về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhiều người dân có tiền gửi trong hệ thống ngân hàng khá hoang mang. Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, hiện tượng rút tiền gửi ngân hàng, không chỉ ở ngân hàng nhỏ mà cả ở những ngân hàng lớn, đang diễn ra khá phổ biến. Liệu thông tin tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có đáng lo ngại đến mức như vậy?

  • Hiệu ứng tâm lý

"Sáp nhập ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện. Vì thế, điều đáng quan tâm là các ngân hàng tính toán xem giá bao nhiêu để mua bán, điều này chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông chứ chắc chắn không ảnh hưởng tới người gửi tiền. Người dân không nên rút tiền khỏi ngân hàng - kênh đầu tư đã được Nhà nước bảo đảm với mức lãi suất cao (14%/năm) để tham gia các “sân chơi” mạo hiểm khác khi nền kinh tế vẫn đang đối diện với nhiều thách thức"
 

TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt

Trao đổi với PV Báo SGGP, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, diễn biến bất thường trên thị trường ngân hàng thời gian qua là do hiệu ứng về tâm lý: “Theo quy luật, về cuối năm khi nhu cầu thanh toán và tín dụng tăng lên thì nguồn vốn ngân hàng mới thiếu. Nhưng năm nay, do chính sách hạn chế tín dụng nên nguyên nhân tăng tín dụng được loại bỏ. Vì thế, thanh khoản một số ngân hàng gặp vấn đề chính là do hiệu ứng tâm lý khiến người dân ồ ạt rút tiền”.

Tình trạng rút tiền khỏi ngân hàng được ghi nhận kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra nhiều giải pháp thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động 14%/năm. Nhiều người trước đó mang tiền gửi ngân hàng với lãi suất cao (17% - 19%/năm) không quan tâm tới ngân hàng mình gửi tiền chất lượng hoạt động ra sao. Khi cả hệ thống ngân hàng cùng thực hiện nghiêm trần lãi suất 14%/năm, người gửi tiền dựa trên suy tính đơn giản là “ngân hàng lớn là ngân hàng an toàn”, đã rút tiền gửi ở ngân hàng nhỏ mang gửi ngân hàng lớn.

Tiếp đó, thông tin về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được công bố. Nhưng bản chất của vấn đề này lại chưa được cơ quan quản lý giải thích thấu đáo với công chúng. Chính vì thế, sự bất ổn tâm lý càng gia tăng. Nhiều người dân lo ngại tiền gửi của họ ở ngân hàng sẽ không được bảo toàn khi tái cơ cấu hệ thống, nên đua nhau đi rút tiền. Không chỉ những ngân hàng nhỏ, thương hiệu chưa được bảo đảm, mà một số ngân hàng thương mại lớn cũng xảy ra hiện tượng khách hàng tới rút tiền gửi. Điều này lý giải hiện tượng bất thường trong hệ thống ngân hàng: cho vay ra rất ít nhưng thanh khoản vẫn gặp khó khăn.

Giao dịch tại Eximbank. Ảnh: CAO THĂNG

Giao dịch tại Eximbank. Ảnh: CAO THĂNG

“Việc đưa ra thông tin về tái cơ cấu, sáp nhập ngân hàng nhưng chưa giải thích rõ ràng là một tác động tâm lý. Khi nghe những thông tin đó, tất cả những người có tiền gửi ngân hàng đều lo sợ muốn rút tiền gửi ra khỏi hệ thống ngân hàng” - lãnh đạo một ngân hàng bức xúc giãi bày với PV Báo SGGP. Trên thực tế, NHNN đã công bố nhiều thông tin quan trọng về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhưng dường như chưa đủ để trấn an dư luận.

Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, nguyên tắc của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là “không để tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, đảm bảo tối đa quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng của ngân hàng”.

Việc thực hiện tái cơ cấu sẽ phân nhóm hệ thống ngân hàng Việt Nam thành 3 nhóm lớn.

Nhóm thứ nhất, gồm các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có năng lực, có quy mô đủ lớn để tiếp tục phát triển thành những ngân hàng làm trụ cột trong hệ thống ngân hàng thương mại. Nhóm ngân hàng này dự kiến sau 5 năm, từ nay đến năm 2015, sẽ có khoảng 15 thành viên và sẽ phải chiếm tới khoảng 80% thị phần hoạt động của hệ thống.

Nhóm thứ hai là các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh nhưng có quy mô còn nhỏ, không có nhu cầu hoặc không có điều kiện để phát triển quy mô cao hơn nữa.

Nhóm thứ ba là nhóm tổ chức tín dụng mà đang có tình hình tài chính khó khăn cần phải được tái cấu trúc. Đối với nhóm các tổ chức tín dụng này, NHNN sẽ thông qua các biện pháp như thay đổi cổ đông, nâng cao năng lực của cổ đông hoặc cho các tổ chức tín dụng trong nước khác tham gia cổ đông, mua lại hoặc sáp nhập vào các tổ chức tín dụng khác.

  • Cần hiểu rõ về tái cơ cấu

Những phương hướng trên, nghe qua có thể rất ổn về khía cạnh vĩ mô. Nhưng với thực tế diễn biến trên thị trường tiền tệ hiện nay, lại có vẻ quá xa vời. Thực tế là hiện nay vẫn có một bộ phận người dân hoang mang, hiểu sai về chủ trương này và hệ quả là họ đang ồ ạt rút tiền gửi khỏi hệ thống ngân hàng. “Điều người dân chưa hiểu là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi người gửi tiền. Đây là thông điệp mà cơ quan quản lý cần nhấn mạnh và giải thích thấu đáo cho người dân” - một chuyên gia kinh tế trực tiếp được tham gia xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói.

Chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không đề cập tới khả năng cho phá sản một số ngân hàng. Nghĩa là nếu người dân đang có tiền gửi ở một ngân hàng yếu, và ngân hàng đó phải tái cơ cấu (trường hợp xấu nhất là phải sáp nhập vào ngân hàng khác), thì số tiền gửi đó vẫn được bảo toàn. Và điều này được Nhà nước đứng ra bảo đảm.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã từng nhấn mạnh quan điểm này khi được báo chí hỏi về vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Lợi thế mà người gửi tiền ở ngân hàng yếu (thuộc diện phải tái cơ cấu) là tiền gửi của họ sau khi tái cơ cấu sẽ do một ngân hàng lớn hơn, có uy tín hơn đứng ra bảo đảm. 

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục