Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Định vị theo thị trường

Đồng Tháp là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL vừa trình Chính phủ đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Đây là đề án hết sức táo bạo, tạo bước đột phá trong tình hình mới. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp về vấn đề này.* PV:
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Định vị theo thị trường

Đồng Tháp là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL vừa trình Chính phủ đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Đây là đề án hết sức táo bạo, tạo bước đột phá trong tình hình mới. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp về vấn đề này.

* PV:
Thưa ông, hiện dư luận rất quan tâm đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Xin ông nói rõ hơn về đề án này?

* Ông LÊ MINH HOAN: Đúng là Đồng Tháp vừa trình đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với Chính phủ và các bộ ngành trung ương. Đề án được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá là táo bạo, khá toàn diện. Mặc dù chưa chính thức được phê duyệt, nhưng UBND tỉnh đã chủ động triển khai một số công việc bước đầu, và các địa phương như thành phố Cao Lãnh, các huyện Cao Lãnh, Lai Vung, Tháp Mười… đã mời các chuyên gia báo cáo chuyên đề cho nông dân về vai trò kinh tế hợp tác và mối liên kết giữa sản xuất - tiêu thụ nông sản. Các cấp ủy, chính quyền cấp huyện đã đưa vào nghị quyết, chương trình hành động liên quan đến đề án, như thúc đẩy các mô hình liên kết, cánh đồng liên kết, kế hoạch củng cố các hợp tác xã, tổ hợp tác, tìm đầu ra cho nông sản…

Tỉnh quan niệm rằng, đề án tái cơ cấu nông nghiệp là một thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, nhưng không vì thế mà do dự, chùn bước. Chúng ta không thể tiếp tục sản xuất với nhiều câu hỏi không có lời đáp như: trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả và bền vững, bán cho ai, bán như thế nào để nông dân có thu nhập ổn định...

Đồng Tháp đang phát triển mạnh mô hình “cánh đồng liên kết”.

Đồng Tháp đang phát triển mạnh mô hình “cánh đồng liên kết”.

* Trên thực tế, các cấp, các ngành nhận thức về tái cơ cấu nông nghiệp thế nào, thưa ông?

* Vẫn còn một số cán bộ, kể cả lãnh đạo của một số sở ngành và địa phương nhầm lẫn rằng, đề án chỉ tập trung phát triển “3 cây, 2 con”; đồng thời băn khoăn “hình như đề án còn lẩn quẩn, không biết hiệu quả ra sao?”... Thật ra, đây là đề án mở, điều cốt lõi của đề án là dựa vào các yếu tố: “hợp tác”, “liên kết” và “định vị lại sản xuất theo nhu cầu thị trường”. Theo đó, đẩy mạnh hợp tác giữa những người sản xuất và liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp; liên kết giữa doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đầu ra; quy hoạch sản xuất gắn với thị trường, thông qua doanh nghiệp và các nhà thu mua sản phẩm. Việc tái cấu trúc sẽ theo nguyên tắc chuỗi giá trị ngành hàng, với bước đi và cách làm phù hợp trên từng địa bàn cấp huyện, liên huyện… Tôi cho rằng, không có một khuôn mẫu chung nào, khi triển khai cần xử lý linh động dựa trên 3 nguyên tắc “hợp tác, liên kết và thị trường”.

 

Mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đồng Tháp đến năm 2020 là đạt mức tăng trưởng nông nghiệp 5%/năm; hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có kỹ năng sản xuất và quản lý. Đẩy mạnh đào tạo nghề phi nông nghiệp và chuyển lao động nông thôn ra khỏi khu vực nông nghiệp xuống còn 50% lao động xã hội; tăng thu nhập của cư dân nông thôn lên 2 lần so hiện nay, giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn 2%/năm… Đồng Tháp tập trung vào 5 ngành hàng chủ lực là lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng và nuôi vịt.

 

* Thời gian qua, Đồng Tháp phát triển khá nhanh mô hình “cánh đồng liên kết” và thực tế cũng có doanh nghiệp “bẻ kèo” không mua lúa của nông dân. Việc này ít nhiều ảnh hưởng tới đề án tái cơ cấu nông nghiệp?

* Đúng là trong quá trình thực hiện liên kết đã nảy sinh vấn đề tranh chấp hợp đồng tiêu thụ. Tôi có nghe dư luận và cả phương tiện thông tin đại chúng phản ánh thường do lỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần đánh giá thật khách quan, công bằng; tìm ra lý do vì sao doanh nghiệp không thực hiện hợp đồng, nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Các đối tác và cả ngành chức năng cần xác định đúng nguyên nhân để cảm thông và chia sẻ, tránh ảnh hưởng đến sự hợp tác lâu dài giữa nông dân và doanh nghiệp. Có thể nói, mối liên kết mà chúng ta vừa có được mới chỉ là bước đầu, còn mỏng manh lắm. Đây là hạn chế cần nhanh chóng tháo gỡ.

* Như vậy, theo ông phải làm gì để đề án triển khai được thành công?

* Những bất cập như tôi vừa nêu cho thấy việc thực hiện đề án không đơn thuần là chuyên môn của ngành nông nghiệp, hay chỉ theo quy luật cung - cầu trong kinh tế, mà phải tổng hòa nhiều vấn đề như tập quán sản xuất, lòng tin của nông dân và doanh nghiệp, rồi cần sự nhất quán của cả hệ thống chính trị… Mô hình “cánh đồng liên kết” chỉ là những bước đi đầu tiên, còn rất nhiều việc phải làm, nhiều giai đoạn phải trải qua để tiến lên từng bước, nâng dần lên từng cấp độ. Vì thế, sẽ có nhiều cơ chế chính sách được kiến nghị Trung ương nhằm tạo ra sự thay đổi, sự đột phá mà đề án đặt ra. Dù trước mắt còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta phải kiên trì theo đuổi mục tiêu dài hạn; đồng thời phải linh hoạt trong từng giai đoạn ngắn hạn. Có thể xem đây là “phép thử” trong việc phối hợp của cả hệ thống chính trị nhằm hướng đến một mục tiêu chung là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp; từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.

HUỲNH LỢI thực hiện

Tin cùng chuyên mục