Nông nghiệp luôn được xem là mặt trận hàng đầu nhưng việc đầu tư trở lại ngành nông nghiệp và nông thôn còn khiêm tốn và ngày càng giảm. Tại diễn đàn Quốc hội, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Đức Cường cho biết, tỷ lệ đầu tư xã hội trở lại cho nông nghiệp nông thôn giảm dần. 10 năm trước là 13,85%, năm 2008 còn 6,45%, năm 2011 khoảng 6%.
Thực tế cho thấy, đất nông nghiệp hầu như là để dự phòng cho lĩnh vực khác. Những người làm nông nghiệp phải di dời khi có nhà đầu tư công nghiệp đến. Doanh nghiệp (DN) cần đất để chăn nuôi tập trung, xây dựng nhà máy giết mổ và chế biến nhưng địa phương lại không mặn mà vì sợ ô nhiễm. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghệ thực phẩm Đồng Nai (Dofico), bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, cho rằng, vùng chăn nuôi tập trung mà nhà nước quy hoạch trước đây, nay khu dân cư vây quanh, các trang trại phải di dời tiếp lần nữa. Điều này khiến không DN nào yên tâm đầu tư căn cơ và dài hạn.
Vừa qua, tỉnh Đồng Nai giao 1.000ha để Dofico xây dựng vùng chăn nuôi tập trung nhưng không dễ triển khai do vướng chính sách, cơ chế. Ông Chung Kim, Giám đốc Công ty TNHH Kim Long (Kim Dương), nhà chăn nuôi heo ở Bình Dương, cho rằng, nếu không quy hoạch vùng nông nghiệp rõ ràng và lâu dài sẽ không có đủ sản phẩm nông nghiệp cho xã hội. Công nghiệp và dịch vụ phát triển phải dựa trên cái nền của ngành nông nghiệp sản xuất bền vững, cần có vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và thật sự ổn định.
Đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp ngày một giảm sút, năm 2007 đầu tư FDI vào lĩnh vực chiếm 8% trong tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, đến năm 2010 chỉ còn 1%. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, cho rằng, trở ngại này có thể hóa giải nếu các địa phương tạo ra nhiều vùng đất nông nghiệp rộng hàng ngàn hécta trở lên cho từng loại cây trồng, vật nuôi… Trong đó, mỗi khu được xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh như khu công nghiệp nông nghiệp, điện nước phải đến tận hàng rào trang trại.
Điều khó nhất đối với nhà đầu tư không phải là vốn mà là diện tích manh mún vì để có diện tích đất tập trung sản xuất DN phải đền bù, giải tỏa với nhiều rối rắm và kéo dài. Nhiều nhà chăn nuôi vùng Đông Nam bộ than thở, khi trang trại bị vây quanh bởi khu dân cư, DN phải chuyển đi, những người có trách nhiệm chỉ vào khu này, khu kia để di dời nhưng nơi đó chỉ toàn là đất hoang! Trong khi có không ít khu công nghiệp với hạ tầng hoàn chỉnh còn rất nhiều diện tích bỏ trống nhiều năm trời. Điều này chưa sòng phẳng và chưa đánh giá đúng vai trò nông nghiệp.
Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, cần có chính sách đặc thù khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư vào chế biến nông lâm thủy sản, nhất là chính sách khuyến khích chăn nuôi có kiểm soát ở miền núi... nhằm tái cơ cấu ngành này.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết, một trong những biện pháp để giúp nhà đầu tư yên tâm và DN nông nghiệp, nông thôn có điều kiện phát triển ổn định là tính toán việc miễn thuế thu nhập DN. Chính phủ sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ DN nông nghiệp, nông thôn một cách thiết thực hơn.
Theo Hội Nông dân Việt Nam, công cụ và phương tiện hữu hiệu nhất đối với đầu tư phát triển nông nghiệp hiện nay là phải có chính sách thực sự hấp dẫn để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Nhà nước bổ sung và chỉnh sửa các luật đầu tư, các chính sách và tăng ưu đãi đầu tư về nông nghiệp, nông thôn…
ĐĂNG LÃM