“Thực hiện nếp sống văn minh đô thị”- chủ trương được TPHCM triển khai thực hiện từ năm 2008 – đã làm bộ mặt TP chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, đầu năm 2010, tình trạng buôn bán, lấn chiếm vỉa hè lại tái diễn phức tạp…
1.001 kiểu lấn chiếm
Vỉa hè đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), đoạn từ nút giao Nguyễn Chí Thanh đến đường Ngô Gia Tự bị dãy các quán nhậu, sinh tố, quán cơm… “phủ kín”. Trên địa bàn quận 5, đường Nguyễn Trãi, chỉ một đoạn ngắn từ đường Huỳnh Mẫn Đạt đến Trần Bình Trọng, có hàng trăm điểm bán quần áo, nón bảo hiểm, dây nịt “di động” trên vỉa hè. Một số tuyến đường khác như An Dương Vương (quận 5), Nguyễn Tri Phương (quận 10), đường số 8 (quận 8), Trần Hưng Đạo (phường 14, quận 5)… cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Buổi tối, chạy dọc đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh), đoạn từ cầu Bông đến siêu thị Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng, hai bên lề đường la liệt các điểm bán cơm, cháo, hủ tiếu, bánh mì, chè, sinh tố… Đặc biệt đoạn gần Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, dãy quán cóc mọc lên như nấm, bàn ghế bày choán hết lối đi, một số cửa hàng bán nón bảo hiểm cũng chiếm dụng vỉa hè để buôn bán.
Tương tự, vỉa hè trên đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), đoạn từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định đến giao lộ Phan Đăng Lưu - Hoàng Hoa Thám thành chỗ trưng bày… đồ gốm, dựng các bảng hiệu quán ăn, tiệm photocopy và dán decal. Riêng đoạn từ giao lộ Phan Đăng Lưu – Nguyễn Văn Đậu đến ngã tư Phan Đăng Lưu - Thích Quảng Đức, các cửa hàng bán xe máy cũng thi nhau chiếm dụng lề đường, xe được dựng thành nhiều hàng, tràn ra cả mép đường. Song nhộn nhịp nhất phải kể đến là vỉa hè đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến ngã ba đài Liệt sĩ, lề đường bị biến thành nơi bày bán giày dép, găng tay, bóp da,
giỏ xách, ì xèo đến tận khuya.
Danh sách các tuyến đường “có vỉa hè cũng như không” còn rất dài…
Xuống cả lòng đường
Đường Trịnh Hoài Đức (phường 1, quận Bình Thạnh) nổi tiếng nhiều cửa hàng quần áo thời trang. Quần áo được bày bán la liệt, tràn xuống cả lòng đường. Khách đến mua dừng xe giữa đường, khiến giao thông thường bị tê liệt vào các buổi tối. Vỉa hè trên các con đường Lê Văn Sỹ (quận 3), Quang Trung (quận Gò Vấp), Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) vào mỗi tối cũng bát nháo bởi cảnh mua bán quần áo, giày dép.
Chị Minh Tâm, nhà trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), cho biết: “Tối nào cũng xảy ra ùn tắc, nhất là vào các ngày cuối tuần”. Nhếch nhác không kém là đường Hồ Thị Kỷ (phường 1, quận 10). Đường nhỏ, rộng chỉ khoảng 6m nhưng các quán nhậu hai bên đường vô tư bày bàn ghế xuống lòng đường cho khách ngồi.
Ông Mười Kỵ, nhà ở hẻm 37, bức xúc nói: “Thấy nhà này lấn, nhà khác cũng lấn theo, rồi cả con đường đều bị chiếm. Hậu quả là tai nạn xảy ra, người đi đường va quẹt vào bàn ghế, chủ quán ra chửi tục, xô xát. Điều lạ là cảnh lấn chiếm ngày nào cũng diễn ra nhưng hiếm khi thấy chính quyền địa phương kiểm tra xử phạt, nhắc nhở”.
Lòng đường Điện Biên Phủ, đoạn từ Bệnh viện Mắt kéo dài đến ngã tư Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng (quận 1); đường Hoàng Minh Giám, đoạn chạy qua công viên Gia Định (quận Phú Nhuận) và đường Hoàng Văn Thụ, đoạn chạy qua công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) cũng bị dãy xe bán nước sâm, rau má, dừa, tắc, cá viên chiên, xe đẩy bán trái cây dạo… chiếm dụng hết vỉa hè và tràn xuống cả lòng đường. Đặc biệt ở ngã ba Quang Trung - Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp) đồ gốm sứ, hoa vải, quần áo tràn lan trên vỉa hè, đã trở thành một điểm nóng về ùn tắc giao thông.
Có thể nói khắp nơi tình trạng lấn chiếm lòng lề đường tràn lan, người đi bộ và người mua bán len lách nhau ở lòng đường, cảnh ách tắc giao thông xảy ra phổ biến và làm mất mỹ quan.
Có kiểm tra, xử phạt nhưng...
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường 4 quận 5, thừa nhận hiện nay nhiều tuyến đường trên địa bàn phường vẫn còn tình trạng buôn bán, để xe lấn chiếm vỉa hè và lòng đường. “Nóng” nhất là 3 tuyến đường Lê Hồng Phong, An Dương Vương và Nguyễn Văn Cừ.
“Chúng tôi đã triển khai các biện pháp tuyên truyền xuống từng khu phố, tổ dân phố để vận động bà con nâng cao ý thức chấp hành các quy định về sử dụng vỉa hè, lòng đường của TP. Bên cạnh đó, phường cũng thường xuyên bố trí lực lượng kiểm tra và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm”, ông Vinh cho biết.
Trong quý 1 này, riêng phường 4 quận 5 đã xử phạt 95 trường hợp buôn bán, để xe lấn chiếm vỉa hè và lòng đường. “Thời gian tới, phường sẽ tăng cường kiểm tra và xử phạt các trường hợp vi phạm. Đồng thời giao trách nhiệm cụ thể từng tuyến đường cho cán bộ thanh tra và các trưởng khu phố trực tiếp tiến hành lập biên bản khi phát hiện vi phạm. Đến ngày 30-4, phường 4 quận 5 cam kết sẽ xử lý triệt để nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường” – ông Vinh hứa.
Còn ông Võ Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND kiêm Bí thư Đảng ủy phường 2 quận 10, cho biết phường đang quyết liệt ngăn chặn nạn buôn bán, giữ xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường bằng việc tăng cường kiểm tra, xử phạt, song song với việc nhắc nhở người dân ý thức giữ gìn đô thị văn minh, sạch đẹp.
THU TÂM – TUẤN VŨ