Thu gom xong lại đầy rác
Trên nhiều tuyến đường tại quận Bình Thạnh, quận 7, huyện Bình Chánh… rất dễ bắt gặp những “núi rác” ô nhiễm. Đơn cử, tại tại chân cầu Thị Nghè 2 (khu vực giáp ranh quận Bình Thạnh và quận 1) xuất hiện bãi rác lớn và tồn tại lâu ngày, gây mất mỹ quan đô thị. Cùng đó là khá nhiều rác sinh hoạt, xà bần xả tràn lan dưới chân cầu. Sau khi được các đơn vị thu gom, xử lý, chỉ 1 - 2 ngày sau, tình trạng này tái diễn.
Ghi nhận tại khu vực cầu Sài Gòn (nối TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh) cũng cho thấy, bãi rác tự phát ở chân cầu phía quận Bình Thạnh đã tồn tại khá lâu mà không thấy đơn vị nào thu gom. Rác sinh hoạt như vỏ thùng xốp, bao ni lông, phế phẩm, chiếu, mền... bỏ tràn lan, đầy ắp, tràn ra cả mặt đường.
Cách chân cầu Sài Gòn chừng 10m, bãi đất trống gần khúc giao đường Ung Văn Khiêm và đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Rác xây dựng, rác sinh hoạt được nguời dân cho vào bao tải chất thành đống to ngổn ngang, bỏ tràn ra mặt đường.
Chú Minh, người chạy xe ôm khu vực này, cho biết, những lúc đứng chờ khách dưới chân cầu, chú hay bắt gặp một số người đi đường tiện tay ném rác xuống đây, lúc thì là ly nước mía, lúc là vỏ hộp cơm, chai nước. Người dân ở đây cũng nhiều lần phản ánh và cơ quan chức năng đã ra quân dọn dẹp, đồng thời cắm biển “ Cấm đổ rác”. Thế nhưng, tình trạng trên vẫn cứ tái diễn.
Dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh (từ quận 7 sang huyện Bình Chánh), việc người dân “bỏ trộm” rác dọc hai bên lề đường ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Ước tính sơ bộ từ khu vực cầu Ông Lớn (quận 7) đến đường ngang Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) có hơn 10 bãi rác tự phát với khối lượng rác thải rất lớn. Nhiều người dân sống hai bên đường chia sẻ, hệ thống vỉa hè của tuyến đường này chưa được làm lại, cỏ mọc um tùm tạo điều kiện để các đối tượng lợi dụng đổ rác.
Ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức TPHCM, cho biết, TP thường xuyên tổ chức các hoạt động ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, xóa bỏ các điểm tồn đọng trên địa bàn. Cụ thể là khu đất trống quanh cầu Thủ Thiêm 1, khu đất trống cạnh ngã ba đường Nguyễn Cơ Thạch- Mai Chí Thọ...
Tuy nhiên, hiện nay các điểm nói trên vẫn thường xuyên phát sinh rác sau khi được dọn dẹp. UBND TP Thủ Đức đã chỉ đạo các bộ phân liên quan túc trực canh gác, kiểm tra và xử phạt nhiều đối tượng điều khiển phương tiện xe tải, ba gác máy... vận chuyển chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp, chất thải rắn cồng kềnh... đổ trộm tại những khu vực trên. Tuy nhiên, các đối tượng thường lợi dụng lúc đêm tối hoặc thời điểm không có lực lượng chốt kiểm tra để đổ trộm rác thải.
Cần “tổng chỉ huy”
Đại diện Phòng TN-MT quận Bình Thạnh cho biết, theo phân giới địa chính từ giữa cầu thì rác nằm ở phần bên quận nào thì quận đó có trách nhiệm thu gom, quét dọn. Đối với các điểm bỏ rác tự phát ở khu vực công cộng, quận cũng đã tiến hành kiểm tra, xử lý. Nhưng do một số cá nhân thiếu ý thức lén lút đổ trộm, việc kiểm tra không xuể dẫn đến việc thu gom có chậm trễ.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, cho rằng, người dân thường lợi dụng thời điểm các lực lượng chức năng không có mặt ở hiện trường để thực hiện đổ rác nên rất khó kiểm tra và xử lý. Theo ông Kiên, cần có một chế tài mạnh hơn nữa, đủ sức răn đe để xử phạt những người thiếu ý thức.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết thêm, TP đã phân cấp công tác bảo vệ môi trường về cho từng quận, huyện. Đối với các quận, huyện không hoàn thành trách nhiệm được giao, ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải của Sở cũng đã có giám sát và có văn bản gửi quận, huyện hoặc đơn vị quản lý có liên quan để yêu cầu khắc phục.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, dù các quận huyện có nỗ lực dọn dẹp, kiểm tra, xử phạt hành vi đổ trộm rác thải vẫn không thể giải quyết căn cơ tình trạng tái lập bãi rác vô chủ. Cần thiết phải có “tổng chỉ huy” cho hoạt động thu gom rác thải, vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn TP.
Đơn vị này có trách nhiệm tổng thể với chất lượng vệ sinh môi trường của TP, kết hợp chặt chẽ với đơn vị công ích của các quận huyện, doanh nghiệp tư nhân để vừa phân cấp, vừa giám sát chất lượng hoạt động vệ sinh môi trường. Có như vậy mới giải quyết dứt điểm tình trạng không còn hàng trăm bãi rác vô chủ trên địa bàn thành phố thường xuyên tái lập, gây mất mỹ quan đô thị.
TPHCM rộng 2.095km2, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ hình thành rất nhiều khu vực giáp ranh giữa các quận huyện. Với việc phân cấp trong hoạt động thu gom, vệ sinh môi trường về cho từng quận huyện sẽ khó tránh khỏi tình trạng các quận huyện đùn đẩy trách nhiệm thu gom rác tại khu vực giáp ranh này. |