Đoàn công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM vừa có chuyến giám sát việc thực hiện công tác tái định cư để nắm bắt thực trạng và những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách tái định cư trên địa bàn TPHCM. Nhiều năm qua, chương trình tái định cư của TPHCM không chỉ đáp ứng cải thiện chỗ ở cho người dân, phù hợp với tiến trình chỉnh trang đô thị, phát triển KT-XH mà còn tạo động lực để xây dựng TP theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần tô điểm hình ảnh TPHCM năng động, sáng tạo và nghĩa tình.
Tuy nhiên, các chính sách an sinh xã hội như chuyển đổi nghề, bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chưa đạt hiệu quả cao, nên không ít gia đình phải bán nhà tái định cư ở chung cư vì thấy không hợp với lối sống, đi lại và việc làm ăn của họ. Tái định cư nhưng chưa an cư - một vấn đề tồn tại nhiều năm trước, nhưng đến nay qua giám sát ở một số quận - huyện ở TPHCM, vẫn thấy nhiều bất cập.
Trong chương trình phát triển KT-XH của TPHCM giai đoạn 2011 - 2015, TPHCM dự kiến có khoảng 83.000 hộ phải di dời, tái định cư để phục vụ các chương trình, công trình trọng điểm của TPHCM. Song tình trạng nhiều người dân không nhận nhà tái định cư hoặc sang nhượng trái phép nhà tái định cư vẫn tiếp tục diễn ra, bất chấp những quy định cấm của chính quyền đang là thách thức không nhỏ đối với TPHCM trong quá trình chỉnh trang đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng.
Một kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho thấy, nhiều khu dân cư tái định cư chưa có cơ sở hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại... nên người dân chưa an tâm khi an cư. Do phát triển thiếu đồng bộ, nhiều khu tái định cư nằm xa khu dân cư hiện hữu, đường giao thông khó khăn. Song nan giải nhất là công ăn việc làm. Qua khảo sát, những hộ tái định cư ở các khu tái định cư, nhất là ở vùng ven, thường là người thu nhập thấp, nghề nghiệp không ổn định, nay bị xáo trộn về công ăn việc làm, dẫn đến khó khăn trả góp tiền nhà hàng tháng (thường kéo dài 10 - 20 năm) và các khoản phí chung cư quá cao so với thu nhập của họ. Đó là chưa kể, chung cư không phù hợp với những hộ buôn bán hàng rong, buôn bán tại nhà.
Nhiều hộ lao động bình thường, làm nghề tự do, đặc biệt là diện nghèo khi thấy nhà tái định cư quá xa nơi ở cũ, họ phải bán căn hộ đang ở, dành ít tiền để mưu sinh và tiếp tục tá túc tạm bợ hoặc tìm thuê căn hộ giá rẻ. Có hộ gom hết tiền đền bù, vẫn không đủ mua một căn trả góp, đành sang nhượng suất tái định cư. Ở huyện ngoại thành, những nông dân mất đất sản xuất chủ động tìm việc bằng cách vào nội thành làm thuê, chạy xe ôm, buôn bán lặt vặt qua ngày. Điều này cho thấy, chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề bằng tiền để người dân tự chuyển đổi nghề, tự học nghề cần có sự thay đổi căn cơ, phù hợp hơn.
Thực tế trên đòi hỏi chính quyền không chỉ tiếp tục chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề giúp người nông dân ly nông, chứ không ly hương, mà còn chú trọng đến tuyên truyền, giáo dục để người lao động hào hứng với việc học nghề, tránh tư tưởng muốn kiếm việc làm ngay theo kiểu “mì ăn liền”. Trung tâm dạy nghề gắn việc dạy nghề với nhu cầu thị trường lao động cần tuyển dụng tại địa phương. Chính quyền và các tổ chức xã hội nghề nghiệp chủ động liên hệ các đơn vị sản xuất đóng trên địa bàn để giới thiệu người lao động đã được đào tạo, có việc làm phù hợp, ổn định.
Chính sách hỗ trợ vay vốn cần tạo điều kiện cho người dân tái định cư có thể mua trả góp được căn hộ chung cư, để họ yên tâm bám trụ tại nơi ở mới. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền ưu tiên hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị ở những khu tái định cư còn thiếu như chợ, khu thương mại, trường học, bệnh viện, công viên, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, đèn chiếu sáng. Đồng thời, TP tăng cường kiểm tra chất lượng các chung cư tái định cư trên toàn TP, tránh tình trạng xuống cấp nhanh như hiện nay…
Để chủ trương của Đảng bộ TPHCM là “người dân sau khi tái định cư nơi ở mới phải có cuộc sống tốt hơn hoặc chí ít cũng ngang với nơi ở cũ” xuất hiện ngày càng nhiều ở TPHCM, đòi hỏi các cấp chính quyền cần có các giải pháp linh hoạt, đồng bộ, dựa vào sức dân và có tầm nhìn xa.
TUẤN SƠN