Tái định cư tại chỗ

Bên cạnh xây dựng bộ mặt đô thị văn minh hiện đại, xóa đi những căn nhà lụp xụp, ổ chuột, làm trong sạch những dòng kênh đen thì việc đem đến cuộc sống êm đềm trong lòng đô thị mới là mục tiêu của “thành phố nghĩa tình”. Làm cho người dân ở vùng đất bị cải tạo, chỉnh trang không bị xáo trộn mọi mặt mà lại tự hào về sự đổi thay trên quê hương mình, đó chính là điều tốt đẹp bền lâu mà chính quyền mang lại cho họ. 

Đến dự hội nghị mời gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh rạch, chỉnh trang đô thị TPHCM vào đầu tháng này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã giao UBND TPHCM một nhiệm vụ rất bài bản, khoa học, nhân văn: đó là tập huấn các cán bộ làm quy hoạch để nhận thức lại, không di dời người dân đi chỗ khác, mà cải tạo đô thị ngay trên chính phần đất hiện hữu, hay nói cách khác là tái định cư tại chỗ.

Việc này học từ cách làm của Nhật Bản, Hàn Quốc, phương châm ở đâu chỉnh trang ở đó, không đưa người dân đi chỗ khác, có thể thuê bạn tư vấn cải tạo một hoặc hai quận một cách đồng bộ.

Theo báo cáo ngày 17-11-2017 của UBNDTP về thực hiện Nghị quyết số 16/2012 của Hội đồng nhân dân TPHCM khóa VIII về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị, kết quả điều tra xã hội học về cuộc sống của người dân sau tái định cư còn bộn bề vất vả. Báo cáo nhận định như sau: “Việc giải tỏa, di dời, tái định cư đối với người dân có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP không chỉ là việc thay đổi nơi ở mà là sự thay đổi về mặt tâm lý, tình cảm và thay đổi cả hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu của người dân (việc làm, học hành, đi lại, y tế, thu nhập…).

Bất kể người dân tái định cư lựa chọn phương pháp đền bù hay hỗ trợ như thế nào thì điều kiện sống của họ đang đối diện với rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong vấn đề việc làm, thu nhập, điều kiện nhà ở”. Vì sao vậy? Có nhiều lý do nhưng cơ bản cách làm lâu nay theo mô-típ: lập dự án, lên phương án và tổ chức di dời người dân đi nơi khác; Nhà nước xây dựng sẵn quỹ nhà tái định cư ở đâu đó, nếu chưa có thì bố trí người dân “ở tạm” trong các khu tạm cư; người bị di dời lúc đầu là nhận nhà tái định cư, sau này có thể nhận nhà hoặc nhận tiền. Từ đây đã đẻ ra hàng loạt hệ lụy, những khu tạm cư tồn tại cả hàng chục năm trời, người dân sống lây lất, như khu tạm cư An Phú, Thạnh Mỹ Lợi - quận 2…; nhà ở chỗ mới nhưng lại quay về nơi cũ mưu sinh như những hộ dân bị giải tỏa rạch Ụ Cây, quận 8…  Nhiều trường hợp rơi vào cảnh trắng tay, vì nhà ở trước đây bị giải tỏa nhưng không đủ điều kiện để tái định cư, không đủ tiền đền bù, đành chấp nhận cảnh tạm cư kéo dài…

Đỉnh điểm của sự lãng phí và dẫn đến hoang vắng là khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Cách trung tâm thành phố khoảng 20km, gần giáp ranh tỉnh Long An, khu tái định cư hoành tráng với 45 lốc chung cư, gồm 1.939 căn hộ và 529 nền đất, sau 8 năm đưa vào vận hành, nhưng số lượng hộ dân định cư chưa tới 1/4, hầu hết những căn hộ không có người ở rơi vào tình trạng xuống cấp. Vừa xa xôi hẻo lánh, thiếu thốn hạ tầng nhưng lại “dồn dân” của 10 quận, huyện, từ trung tâm cho đến ngoại thành từ các quận 1, 6, 8, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp và huyện Bình Chánh về đó, một cách làm hết sức duy ý chí.

Rõ ràng cách làm cũ có quá nhiều bất cập, gây “tổn thương” cho xã hội nhưng với cách làm mới, tái định cư tại chỗ, hoàn toàn có cơ sở thực hiện thành chủ trương lớn của TP khi mà những “tín hiệu sáng” từ thực tiễn cho thấy kết quả rất tích cực! Đó là quận 11 thành công trong việc chỉnh trang đô thị tại các lốc chung cư cũ dọc đường Lý Thường Kiệt, Vĩnh Viễn, Tân Phước, Lý Nam Đế; quận 10 xây mới lại chung cư cũ dọc đường Nguyễn Kim. Bài học cơ bản là bên cạnh hỗ trợ người dân nghèo khó thì chú trọng tổ chức tái định cư tại chỗ.

Còn mới đây nhất, quận 5 đã di dời và tháo dỡ thành công chung cư 727 Trần Hưng Đạo, bằng cách bố trí người dân tạm cư ở những khu vực xung quanh - liền kề quận 5, nhằm giảm thiểu xáo trộn về tâm lý, học hành, công việc; ưu tiên tái định cư tại chỗ…  Nhờ vậy người dân đã di dời, bàn giao mặt bằng để xây dựng lại tòa nhà mới, cho dù trước đó nhiều năm trời liên tục cảnh báo chung cư có thể sập bất cứ lúc nào nhưng người dân vẫn kiên quyết “bám trụ”!

Bên cạnh xây dựng bộ mặt đô thị văn minh hiện đại, xóa đi những căn nhà lụp xụp, ổ chuột, làm trong sạch những dòng kênh đen thì việc đem đến cuộc sống êm đềm trong lòng đô thị mới là mục tiêu của “thành phố nghĩa tình”. Làm cho người dân ở vùng đất bị cải tạo, chỉnh trang không bị xáo trộn mọi mặt mà lại tự hào về sự đổi thay trên quê hương mình, đó chính là điều tốt đẹp bền lâu mà chính quyền mang lại cho họ. Có lẽ đó chính là cách làm bài bản, khoa học, nhân văn mà người đứng đầu TPHCM hướng tới!

Tin cùng chuyên mục