Tái hiện dòng chảy “Lịch sử văn hóa Việt Nam”

Gần 300 hình ảnh, tư liệu… giới thiệu khái quát tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam từ thời tiền sử cho đến ngày nay được giới thiệu tại triển lãm “Lịch sử-văn hóa Việt Nam”, khai mạc sáng 1-9, tại bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 216 Trần Quang Khải, Hà Nội).
Tái hiện dòng chảy “Lịch sử văn hóa Việt Nam”

(SGGPO).-  Gần 300 hình ảnh, tư liệu… giới thiệu khái quát tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam từ thời tiền sử cho đến ngày nay được giới thiệu tại triển lãm “Lịch sử-văn hóa Việt Nam”, khai mạc sáng 1-9, tại bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 216 Trần Quang Khải, Hà Nội).

Những tư liệu, hình ảnh được trưng bày trong triển lãm tập trung vào sáu chủ đề: “Việt Nam thời tiền sử,” “Việt Nam thời dựng nước đầu tiên,” “Việt Nam thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc,” “Việt Nam thời kỳ quân chủ độc lập và đấu tranh giữ nước,” “Việt Nam-Kỷ nguyên độc lập, tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội” và “Việt Nam bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.”

Hiện vật được trưng bày tại triển lãm.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cha ông ta đã sáng tạo, bồi đắp và tạo dựng nên kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, đậm đà bản sắc dân tộc. Khối di sản này đã trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Triển lãm giới thiệu tới người xem dòng chảy xuyên suốt của lịch sử văn hóa Việt Nam từ những dấu tích của người vượn đứng thẳng (Homo Erectus) có niên đại cách ngày nay khoảng 500.000 năm-400.000 năm được tìm thấy ở hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn) đã chứng minh rằng, Việt Nam là một trong những cái nôi của loài người ở khu vực Đông Nam Á. Từ thời đại Đá cũ tới thời đại Đá mới, các nền văn hóa với những đặc trưng chung và sắc thái riêng phát triển nối tiếp nhau ở mọi miền đất nước. Trong quá trình này, người tiền sử Việt Nam đã chuyển dần từ vùng núi, trung du xuống khai phá đồng bằng, ven biển và hải đảo. Trong quá trình đó, họ đã hoàn thiện, phát triển các kỹ nghệ công cụ đá, định cư làm gốm, nông nghiệp sơ khai và chăn nuôi, tạo tiền đề Việt Nam bước vào thời kỳ văn minh - nhà nước sớm…

Triển lãm “Lịch sử-văn hóa Việt Nam” được tổ chức nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Sáng 1-9, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên – Huế khai mạc triển lãm “Bác Hồ với miền Nam – miền Nam với Bác Hồ”. Triển lãm giới thiệu 350 tư liệu, hình ảnh, hiện vật với các nội dung: Miền Nam in dấu chân người; Bác Hồ với miền Nam trong sự nghiệp thống nhất đất nước; Thực hiện Di chúc của Bác Hồ - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Trong đó, nhiều tư liệu và hiện vật quí được trưng bày như: lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng, giải thưởng luân lưu Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng quân và Nhân dân Thừa Thiên Huế năm 1954; tượng Bác Hồ đúc thủ công bằng đồng tại Đức Cơ - Gia Lai sử dụng trong công tác tuyên truyền từ năm 1962-1967 … 

 Triển lãm mở cửa đến hết ngày 15-10.

         MAI AN - VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục