Tái lập mặt đường cẩu thả: Hiểm nguy rình rập

Tái lập mặt đường cẩu thả: Hiểm nguy rình rập

Để cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, TPHCM đã triển khai hàng loạt công trình đào đường trên địa bàn TP. Điều này đã giúp bộ mặt hạ tầng giao thông của TP dần có sự thay đổi về mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, còn một vấn đề khiến người dân TP không khỏi bức xúc, đó là nhiều công trình thi công sau khi ngầm hoàn tất, việc tái lập mặt đường một cách cẩu thả đã gây nguy hiểm cho người đi đường, cũng như tình trạng lún sụt xảy ra.

Như... tấm áo vá!
 
Theo quy định, các công trình đào đường lắp đặt công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP, sau khi hoàn thành tháo dỡ rào chắn, đơn vị thi công phải tái lập, hoàn trả lại mặt đường theo đúng hiện trạng với mặt đường hiện hữu. Tuy nhiên, có một thực tế lâu nay là nhiều đơn vị thi công thiếu trách nhiệm, cẩu thả trong tái lập mặt đường khiến nhiều tuyến đường ở TP trở nên nham nhở giống như những “tấm áo vá”.

Đơn cử như đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh) là trục đường chính dẫn vào khu vực trung tâm TP, trước đây vốn phẳng phiu nhưng sau vài năm khi hệ thống rào chắn mọc lên và rút đi đã để lại mặt đường gồ ghề, chỗ cao, chỗ thấp khiến phương tiện mỗi khi lưu thông qua lại rất khó khăn và không an toàn.

Đoạn dưới chân cầu Thị Nghè và khu vực gần Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè, do đơn vị thi công tái lập cẩu thả nên mặt đường gồ ghề, một số chỗ hố ga nhô lên cao hơn so với mặt đường 5-7cm, gây nguy hiểm cho người đi đường. Còn với tuyến đường Phan Đình Phùng (Phú Nhuận), sau gần 3 năm bị “lô cốt” án ngữ, đến nay con đường này đã thông thoáng nhưng mặt đường hết sức nham nhở khiến phương tiện lưu thông qua lại rất vất vả.

Cô Lưu Thị Hương, kinh doanh buôn bán ở mặt tiền đường Phan Đình Phùng, bức xúc: “Tưởng rào chắn rút đi người ta trả lại mặt đường bằng phẳng thuận tiện cho người dân trong việc đi lại, ai ngờ đơn vị thi công tái lập mặt đường một cách cẩu thả theo kiểu chắp vá bằng những mảng nhựa đường, cái sau, cái trước; chỗ cao, chỗ thấp nhìn giống như “da beo” không thể nào chấp nhận được”.
 

Mặt đường Tân Hóa (quận 11) đọng nước, lởm chởm sau khi đã tái lập mặt đường. Ảnh: Đ.L.

Mặt đường Tân Hóa (quận 11) đọng nước, lởm chởm sau khi đã tái lập mặt đường. Ảnh: Đ.L.

Tương tự, trên một số tuyến đường như: Bạch Đằng (quận Tân Bình), Đinh Tiên Hoàng, giao lộ Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu (quận 1), Điện Biên Phủ (đoạn từ cầu Văn Thánh 1 đến chân cầu Sài Gòn), Ngô Tất Tố (Bình Thạnh), Nguyễn Tất Thành (quận 4)… cũng tái lập cẩu thả khiến mặt đường cũng lồi lõm. Sự thiếu ý thức trách nhiệm trong việc tái lập mặt đường thể hiện rõ đó là phần mặt đường có vị trí rào chắn luôn thấp hoặc cao hơn so với mặt đường hiện hữu tạo thành những lằn phui, rãnh và gờ nên rất nguy hiểm cho người đi đường.

Thậm chí, có những chỗ không được trải thảm nhựa mà chỉ lấp lại bằng đất, đá. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho việc lưu thông của các phương tiện mà còn làm ứ đọng nước, khiến đường xuống cấp nhanh hơn.

Dễ lún sụt và gây tai nạn
 
Bên cạnh việc làm xấu đi bộ mặt của một số tuyến đường, tình trạng tái lập mặt đường cẩu thả còn là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông và tình trạng lún sụt mặt đường thời gian qua ở TP. Đơn cử như sau cơn mưa xảy ra đêm 18 rạng sáng 19-4 vừa qua, tại một số tuyến đường có công trình đào đường vừa hoàn thành tái lập mặt đường nhưng quá sơ sài đã xuất hiện nhiều “hố tử thần” và nhiều điểm có dấu hiệu lún sụt.
 
Cụ thể, tại khu vực giao lộ Võ Văn Tần - Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), xuất hiện một “hố tử thần” với đường kính 0,4x0,5m và mặt đường bị rạn nứt kéo dài khoảng 3m vào tận vỉa hè đường. Khu vực giao lộ Điện Biên Phủ - Lê Quý Đôn (quận 3) xuất hiện 4 vị trí lún sụt mặt đường với chiều rộng 0,3m, dài khoảng 1m…

Anh Nguyễn Văn Nhựt, làm nghề chạy xe ôm ở khu vực ngã ba Lê Văn Linh - Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4 cho biết: “Hôm trước thấy đơn vị thi công đến dựng rào chắn đào đường, làm trong 2 tuần xong rồi tráng nhựa rút đi. Sau đó khoảng 1 tuần, mặt đường bỗng dưng bị lún cục bộ theo phần tái lập, tạo thành những rãnh sâu trên đường khiến nhiều người đi xe gắn máy trên đường, nhất là từ trong ngã ba quẹo ra bị té ngã rất nguy hiểm, có hôm suýt bị xe ô tô, xe tải cán”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TPHCM) đơn vị quản lý phần lớn các tuyến đường ở khu vực trung tâm TP thừa nhận: “Đúng là thời gian qua tại một số tuyến đường có các công trình thi công đào đường của Dự án Vệ sinh môi trường TP để lắp đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP, đơn vị thi công sau khi rút đi đã tái lập mặt đường một cách cẩu thả gây tình trạng lún sụt cục bộ tạo thành lằn phui, thậm chí làm xuất hiện những “hố” lún sụt trên đường. Đối với các trường hợp đơn vị thi công tái lập mặt đường cẩu thả, khu đã lập danh sách gửi Thanh tra Sở GTVT để xử phạt theo quy định”.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục