Tai nạn điện trong mùa mưa bão

Những cơn mưa trong thời gian gần đây đã khiến nhiều con đường nội thành TPHCM bị ngập nặng. Phải lội bì bõm trong nước ngập, nhiều người đã rất lo lắng khi nghĩ đến tai nạn điện có thể xảy ra như những vụ rò điện gây chết người những năm trước đây. Làm gì để phòng tránh tai nạn điện trong mùa mưa?
Tai nạn điện trong mùa mưa bão

Những cơn mưa trong thời gian gần đây đã khiến nhiều con đường nội thành TPHCM bị ngập nặng. Phải lội bì bõm trong nước ngập, nhiều người đã rất lo lắng khi nghĩ đến tai nạn điện có thể xảy ra như những vụ rò điện gây chết người những năm trước đây. Làm gì để phòng tránh tai nạn điện trong mùa mưa?

Ngành điện phòng chống từ xa

Trả lời về việc ngành điện làm gì để phòng tránh xảy ra tai nạn điện mùa mưa, ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, cho biết: “Ngay tại địa bàn quận 1 - trung tâm TPHCM, hơn 80% lưới điện trung thế đã được ngầm hóa, nên không lo ngại chuyện đứt dây hay rò điện. Tuy nhiên, tình trạng các hầm giữ xe tại các khu chung cư, nhà cao tầng… bị ngập nước, như điểm giữ xe trên đường Nguyễn Siêu bị ngập hôm 26-9, lại trở thành mối quan tâm của ngành điện lực và ngành phòng cháy chữa cháy. Công ty đã thống kê trên địa bàn quận 1 và quận 3 có đến 186 trạm điện đặt tại các tầng hầm khu chung cư, nhà cao tầng. Chúng tôi đã cử nhân viên đến hướng dẫn các nơi này biện pháp ứng phó khi có tình huống mưa lớn, gây ngập hầm, có thể gây mất an toàn điện. Theo đó, họ nên gọi đến tổng đài điện lực (1900.545454) hoặc 114 (cứu hộ - cứu nạn) là lập tức sẽ được hỗ trợ”.

Ngày 26-9, Điện lực Sài Gòn chỉ nhận được một cuộc gọi từ người dân ở chung cư 272 Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) đề nghị hỗ trợ khi có khả năng gây ngập trạm biến áp. Ngoài ra, có 5 cuộc gọi từ các chung cư  trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1), Kỳ Đồng (quận 3)… vào tổng đài 114 và phía phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã đề nghị ngành điện lực hỗ trợ kiểm tra an toàn điện. Điện lực Sài Gòn đã cử nhân viên xuống kiểm tra ngay và mọi việc đều ổn. Phương thức xử lý khi có cuộc gọi báo của người dân là  ngành điện sẽ khoanh vùng xử lý, nếu khẩn cấp sẽ cho cắt điện đầu nguồn trong vòng 1 phút, sau đó cử người xuống hiện trường phối hợp xử lý.

Công nhân Công ty Điện lực Sài Gòn bảo trì, nâng cấp đường dây trung thế trên đường Võ Thị Sáu (quận 3) vào sáng 4-10 để đảm bảo độ an toàn

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó giám đốc Kỹ thuật Công ty Điện lực Gia Định, cho biết: “Địa bàn quận Phú Nhuận và Bình Thạnh có 2 điểm ngập nặng là đường Nguyễn Hữu Cảnh và Phan Xích Long. Tôi đã có mặt tại đường Nguyễn Hữu Cảnh trong nhiều cơn mưa. Nơi này ngập nặng nhưng hầu hết các tủ điện đều an toàn, do nằm trên cao nên không bị ảnh hưởng và gây rò rỉ. Đối với đường Phan Xích Long, ngành điện lực đã phối hợp chặt chẽ với PCCC để hỗ trợ các nhà cao tầng có hầm khi bị ngập. Người dân điện báo là chúng tôi cô lập điện ngay, đưa máy phát điện dự phòng xuống để đảm bảo điện cho phía PCCC bơm nước ra. Nhân viên quản lý 66 tầng hầm của các nhà cao tầng, chung cư trên địa bàn 2 quận đều được ngành điện lực hướng dẫn phương án phối hợp khi bị ngập úng như điện báo, cắt điện, vận hành máy bơm…”.

Người dân làm gì để tránh tai nạn điện?

Không lo lắng với những khu vực lưới điện đã ngầm hóa, tuy nhiên tai nạn “trên trời rơi xuống” vẫn còn là nguy cơ đối với những con hẻm, khu dân cư lao động. Nói về nguy cơ này, ông Phong cho biết ngành điện lực đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát lưới điện tại các khu vực trọng yếu, dễ xảy ra tai nạn điện như phường 2 (Phú Nhuận) phường 13, 22 và 28 (Bình Thạnh) để củng cố, khắc phục những tồn tại trên lưới như móng trụ, móng chằng, khu vực quanh trạm điện, phối hợp ngành cây xanh và chính quyền địa phương để cắt tỉa cây xanh, dọn dẹp các bảng quảng cáo, lều trại… có nguy cơ ngã đổ vào đường dây điện.

Ngành điện lực đã in và phát nhiều tài liệu, tờ rơi tuyên truyền về hướng dẫn an toàn điện cho người dân. Đặc biệt, để tránh tai nạn điện trong mùa mưa, ngành điện lực khuyến cáo người dân không đứng trú mưa tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp; không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao… Tại nhà, người dân không nên lên sân thượng, mái nhà (nơi có đường dây điện băng qua) khi trời đang mưa; nên ngắt nguồn điện nếu trong nhà bị ngập nước. Đối với các hộ kinh doanh, nên cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (bảng hiệu, bảng quảng cáo…) khi trời mưa to, gió lớn.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục