Những ngày này, mức nước sông Hồng đang lập kỷ lục mới về mức độ cạn, phá kỷ lục hồi đầu tháng 12-2009 (mức thấp nhất trong vòng 200 năm qua). Trong khi Thái Lan và Trung Quốc đang đổ lỗi cho nhau về việc sông Mekong ngày càng khô hạn thì tại đồng bằng sông Cửu Long (hạ nguồn sông Mekong), người dân đang tiếp tục chịu cảnh thiếu nước trầm trọng, xâm mặn đang tiến sâu vào đất liền, có nguy cơ ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo của vựa lúa lớn nhất Việt Nam.
Ngược lại, cách đây không lâu, hồi cuối tháng 11 đầu tháng 12-2009, miền Trung Việt Nam đã phải gánh chịu thiệt hại to lớn về người và của do lũ lụt gây ra. Tất cả những sự kiện trên không diễn ra một cách ngẫu nhiên, nó là hệ quả của quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ, tàn phá môi trường không nương tay và con người sẽ phải tiếp tục trả giá vì điều này.
Theo TS Lê Đăng Doanh, biến đổi khí hậu toàn cầu đang trở thành mối đe dọa thật sự đối với văn minh nhân loại. Cách đây 300 năm, khi loài người tiến hành cách mạng công nghiệp và khoa học, khi đó ai cũng tưởng tài nguyên trái đất là vô tận, muốn khai thác bao nhiêu cũng có, muốn xả thải bao nhiêu cũng được.
Tuy nhiên, đến nay người ta mới nhận ra rằng, tài nguyên thiên nhiên có hạn, con người đã tàn phá quá nhiều. Các nhà khoa học châu Âu đưa ra ví von “Nếu cả thế giới đều tiêu dùng như dân Mỹ thì cần đến 4 trái đất...”. Theo dự báo, nếu loài người không giải quyết giảm khí thải, tác nhân làm biến đổi khí hậu thì đến năm 2050 nguồn nước và tài nguyên thế giới sẽ cạn kiệt, nước biển dâng cao, văn minh nhân loại bị đe dọa… những cảnh báo này hiện nay đã diễn ra tại nhiều nước trên thế giới.
Bảo vệ môi trường đang là nhu cầu bức bách của toàn nhân loại. Chúng ta cần có đối sách với tình hình môi trường do chính chúng ta tạo ra, và mặc dù các nước đã có những động thái quan tâm, nhưng xem ra còn nặng hình thức. Hội nghị Copenhagen về chống biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra cuối năm 2009 được xem là một minh chứng. Các nước tham gia có ra tuyên bố nhưng không có được con số cam kết cụ thể, không có điều gì để ràng buộc...
Trước bài toán về vấn đề năng lượng, an ninh lương thực, sinh thái và môi trường, nguồn nước… đòi hỏi cần tạo ra một bước ngoặt về trình độ phát triển. Con người phải tìm ra những dạng năng lượng mới và tận dụng khai thác các nguồn năng lượng khác. Những năm gần đây, trên thế giới liên tục xuất hiện các chương trình nghiên cứu nhằm tái tạo năng lượng, sử dụng năng lượng xanh, năng lượng thiên nhiên như gió, mặt trời... Gần đây, các nhà khoa học tại châu Âu đang triển khai chương trình nghiên cứu tái chế rác thành năng lượng dùng cho máy bay.
“Cứu môi trường là cứu lấy chính mình” không còn là khẩu hiệu mà phải là phương châm hành động. Mỗi người, mỗi quốc gia hãy tích cực tham gia bảo vệ một trường bằng những hành động thiết thực nhất nhằm bảo vệ lợi ích cho chính bản thân mình và sự sống còn của loài người trên hành tinh này.
Chiến Dũng