Ngày 2-11, một số tờ báo thông tin về sự kiện UBND quận 12 công bố hoàn thành mục tiêu 100% hộ dân tiếp cận với nguồn nước sạch sinh hoạt. Đây là quận đầu tiên trong 5 quận huyện vùng ven và ngoại thành hoàn thành sớm mục tiêu đưa nước sạch đến 100% hộ dân theo Nghị quyết 35 của HĐND TPHCM.
Ngay sau khi báo đăng nội dung trên, rất nhiều bạn đọc khu vực đường Nguyễn Ánh Thủ (phường Hiệp Thành), khu phố 1 đường TTH 7 (phường Tân Thới Hiệp)… phản ánh đến chúng tôi là họ chưa được gắn đồng hồ nước, hàng ngày vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan. Nhiều hộ còn cho biết đã nộp hồ sơ xin cấp đồng hồ nước từ đầu năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa được gắn, hỏi chính quyền thì nơi đây trả lời “chưa biết khi nào có”.
Thực tế, theo số liệu của Công ty cổ phần Cấp nước Trung An, hiện còn hơn 3.000 hộ dân quận 12 chưa được gắn đồng hồ nước, huyện Hóc Môn cũng có gần 30.000 hộ trong tình trạng này. Việc công bố hoàn thành mục tiêu 100% hộ dân tiếp cận với nguồn nước sạch được lãnh đạo Công ty cổ phần Cấp nước Trung An giải thích theo kiểu mới chỉ là… “tiếp cận”, có nghĩa đơn vị này hàng ngày đưa nước bằng xe bồn đến một số khu vực chưa gắn đồng hồ nước để người dân có nhu cầu đến đó mua về sử dụng. Để gắn đồng hồ nước cho 100% hộ dân ở nhiều khu vực của quận 12 và huyện Hóc Môn, dự kiến nếu sớm thì cũng phải đến năm 2020 mới hoàn thành.
Ở thời điểm cuối năm 2015, đầu 2016, một số quận, huyện của TPHCM đã công bố hoàn thành xóa hộ nghèo theo tiêu chí mới, đang tập trung chuyển sang giai đoạn giảm hộ cận nghèo, tăng hộ khá. Nhiều nơi khác, trước đó 1 năm, tỷ lệ hộ nghèo còn trên dưới 10%, song đã tổ chức rình rang lễ công bố giảm xuống còn 1% hộ nghèo. Thực tế, cách tính hộ nghèo mà các địa phương áp dụng là với hộ có hộ khẩu thường trú, còn diện tạm trú dài hạn, hoặc hộ có hộ khẩu nơi này nhưng chuyển đến nơi khác sống thì không được tính. Nếu tính luôn cả số hộ dân này thì con số hộ nghèo, hộ cận nghèo chắc chắn lớn hơn nhiều.
Ở các cách tính về tốc độ tăng trưởng, chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch, định mức giao của ngành, lĩnh vực, đơn vị, doanh nghiệp cũng được cho là “có vấn đề”. Nhiều nơi đưa ra những con số rất đẹp để báo cáo thành tích cuối năm. Ở mức độ thấp hơn là cách tính các tiêu chí đánh giá, phân loại cuối năm của cá nhân và tập thể theo kiểu “100% cá nhân tốt, tập thể mới mạnh”. Những cách làm này đều là biểu hiện của bệnh thành tích, chạy theo thành tích, chỉ thấy khen không thấy chê, “cả nhà đều vui”…
Bệnh thành tích đang tái diễn, nếu không có biện pháp chấn chỉnh, những con số “ma” sẽ làm người dân mất niềm tin, ảnh hưởng lớn đến công tác dự báo và đưa ra các giải pháp để giải quyết nhiều vấn đề xã hội bức xúc hiện nay và những năm tới.
HOÀI NAM