Đó là đánh giá được đưa ra trong bản báo cáo của UBND TPHCM về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Báo cáo nêu: “Trong thời gian qua, Tòa án nhân dân TPHCM đã xét xử nhiều vụ án liên quan đến tham nhũng, số tiền tuyên tịch thu từ các vụ án này lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, do khi thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo đã rất tinh vi trong việc chuyển giao tài sản cho người khác, do đó công tác tịch thu, thu hồi các loại tài sản này gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều vụ án tòa án tuyên thu hồi cả trăm tỷ đồng nhưng kết quả thi hành án trong việc thu hồi tài sản tham nhũng là không đáng kể…”.
Dẫn chứng về tình trạng trên, báo cáo đưa ra số liệu năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt khoảng 10%; năm cao nhất trong 10 năm qua là năm 2014 thu hồi được khoảng 1.500 tỷ đồng trong tổng số 6.740 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 22%) thiệt hại từ các vụ án tham nhũng. Báo cáo cũng phân tích số liệu thiệt hại từ các vụ án tham nhũng trong nửa đầu năm 2016 lên đến hàng chục tỷ đồng, nhưng tài sản thu hồi được chỉ có trong vụ án Nguyễn Đình Quý và đồng phạm “Tham ô tài sản” với số tiền là hơn 435 triệu đồng. Với những số liệu trên cho thấy, công tác thu hồi tài sản tham nhũng được xem là vấn đề rất quan trọng và cũng là bất cập lớn hiện nay. Trong đó, bất cập lớn nhất là những quy định pháp luật hiện hành để chứng minh, truy tìm, thu giữ, quản lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có chưa rõ ràng, thiếu minh bạch, cụ thể; một số chính sách pháp luật chưa thực sự bảo đảm sự ổn định cần thiết, dẫn đến nhiều tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Bên cạnh đó, trong nhiều vụ án không thể xử lý tội tham nhũng mà chỉ có thể xử lý tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, hoặc các tội danh khác. Điều này làm cho công tác thu hồi tài sản do tham nhũng mà có còn khó khăn, một lượng tài sản rất lớn của Nhà nước bị các đối tượng tham nhũng chiếm đoạt, biến thành tài sản của cá nhân và gia đình họ.
Dự báo về tình hình tham nhũng, lãng phí trong thời gian tới, theo các cơ quan chức năng vẫn còn diễn biến rất tinh vi và phức tạp. Đảng và Nhà nước đã có quyết tâm chính trị rất mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đi cùng với đó là phải có những giải pháp quyết liệt từ tăng cường phát hiện, xử lý đến hoàn thiện cơ chế quản lý, xây dựng chính sách pháp luật chặt chẽ để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, và khi tham nhũng xảy ra có thể thu hồi được tài sản thất thoát một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Có như vậy dân mới tin, xã hội mới bớt đi sự hoài nghi, lo lắng về quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước ta.
HOÀI NAM