Tại sao chúng ta không thể phát triển tốt hơn?

“Con tàu” kinh tế vượt vòng xoáy nguy hiểm
Tại sao chúng ta không thể phát triển tốt hơn?

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

Ngày 2-11, Quốc hội đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển năm 2016. Một số đại biểu cho rằng, báo cáo của Chính phủ về giai đoạn 2011 - 2015 chưa nhấn mạnh đến vấn đề đấu tranh bảo đảm an ninh quốc phòng, phòng chống tham nhũng. Trong khi điều đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, giữ ổn định để phát triển kinh tế.

“Con tàu” kinh tế vượt vòng xoáy nguy hiểm

Hầu hết các ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao kết quả của năm 2015. ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phân tích, chỉ cách đây 5 năm, kinh tế vẫn còn đứng trước nhiều thách thức, kinh tế vĩ mô bất ổn, lạm phát tăng cao (trên 18%); nhập siêu trầm trọng (từ năm 2006 đến 2010 nhập siêu bình quân 12,5 tỷ USD/năm). Cán cân vãng lai thâm hụt ở mức báo động (bình quân âm 6,5%); tỷ giá biến động mạnh, USD, vàng gây rối thị trường ngoại tệ, thị trường chứng khoán giảm sút, thị trường bất động sản đóng băng…

Tuy nhiên, với những quyết sách kịp thời của Bộ Chính trị, Chính phủ đã điều hành linh hoạt nên kinh tế đạt được những kết quả khả quan với tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, lạm phát được kiềm chế mức thấp, nhập siêu thu hẹp đáng kể; thị trường ngoại hối ổn định. ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cũng nhìn nhận, khách quan mà nói “con tàu” kinh tế Việt Nam đã vượt được vòng xoáy nguy hiểm và trở lại quỹ đạo của nó. Đó là điều mà nhân dân cả nước đánh giá cao.

Tuy vậy, hàng loạt yếu kém nội tại của nền kinh tế tiếp tục được các ĐB chỉ ra, phân tích và có những hiến kế cho sự phát triển năm 2016 cũng như những năm tiếp theo.

Chưa rõ kinh tế chủ lực là gì?

Theo ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), khoảng cách của Việt Nam đang ngày càng xa so với các nước trong khu vực, tức là Việt Nam đang bị tụt hậu, ở trong số những nước có khả năng dễ vỡ nợ công nhất. Chúng ta phải nhìn rõ trách nhiệm của mình về những yếu kém nội bộ của nền kinh tế để đề ra các giải pháp. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị Chính phủ chỉ rõ tại sao việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế chưa rõ nét. Phục hồi tăng trưởng kinh tế thiếu vững chắc: hiệu quả đầu tư thấp, hệ số Icor giảm không đáng kể, nợ công vẫn gia tăng; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa hiệu quả. ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) cho rằng, nguy cơ đầu tư công ngày càng gia tăng, trong khi đó nhiều dự án vẫn điệp khúc điều chỉnh tổng mức đầu tư, khiến cho nợ công ngày càng bị áp lực. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu đầy trăn trở: Những thành tựu là quan trọng nhưng chúng ta vẫn băn khoăn tại sao không thể phát triển tốt hơn. “Việt Nam có những thuận lợi cơ bản: nhân dân năng động, cần cù; quan hệ quốc tế tốt; tài nguyên, thiên nhiên thuận lợi. Vậy tại sao 40 năm ra khỏi chiến tranh, chúng ta vẫn còn nghèo?”, “Đến nay, thử hỏi Việt Nam đã có mặt hàng chủ lực nào là công nghiệp hóa - hiện đại hóa? Chỉ còn 5 năm nữa là đến mốc 2020, nhưng chắc chắn không đạt mục tiêu này. Các khu công nghệ cao tuy đã được quy hoạch nhưng chưa có khu nào mạnh; sản xuất nông nghiệp nhất nhì thế giới nhưng nông dân vẫn rất khó khăn. Chính phủ phải nhìn nhận lại những giải pháp, nguyên nhân, bài học để định ra những giải pháp đủ mạnh cho những năm tới”, ĐB Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên):
“Nhân dân cả nước quan tâm đến vấn đề biển Đông. Tình hình biển Đông nguy hiểm, khó lường, lòng dân chưa an là vậy nhưng báo cáo của Chính phủ chỉ nêu một câu ngắn gọn. Cử tri đòi hỏi phải báo cáo rõ hơn tình hình, làm rõ hơn những giải pháp để bảo vệ chủ quyền. Có nắm được tình hình, rõ những giải pháp thì nhân dân mới yên tâm, thêm sát cánh cùng Đảng, Nhà nước, đoàn kết một lòng để bảo vệ chủ quyền”.
     

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đánh giá, “3 đột phá” thì cũng mới chỉ có khởi sắc về hạ tầng giao thông, còn thể chế, con người chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Thách thức giữ ổn định vĩ mô tới đây còn phụ thuộc vào ứng xử của Quốc hội đối với nợ công, thâm hụt ngân sách. Những nỗ lực của Chính phủ như phát hành trái phiếu ra nước ngoài để đáo hạn; bán bớt cổ phần nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước... nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách đều đang có những áp lực. Tuy nhiên, điều đáng lo hơn là chưa rõ kinh tế chủ lực của ta là gì?

Nhiều ĐB đều chung quan điểm, để tái cơ cấu nền kinh tế thành công, phải chú trọng áp dụng khoa học công nghệ, vì đó là yếu tố để nâng cao sức cạnh tranh, tăng giá trị cho sản phẩm làm ra. Cùng với đó, phải đầu tư, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Cần kiểm soát chặt chẽ đầu tư công, phân bổ lại việc đầu tư công, chỉ ưu tiên đầu tư công cho những dự án cấp thiết. Nhiều ĐB cho rằng, Chính phủ cần tập trung đầu tư, hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nhất là khi tới đây Việt Nam gia nhập TPP.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu tại hội trường

Đừng chọn người “nói thì hay, làm thì dở, tìm mọi cách xoay xở”

Trong ngày thảo luận 2-11, bên cạnh việc phân tích những vấn đề nổi cộm về kinh tế, xã hội, nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề cán bộ, con người, trách nhiệm cá nhân, việc thực thi kỷ cương, kỷ luật hành chính. Theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), ngay từ đầu nhiệm kỳ này chúng ta đã kỳ vọng vào một lớp bộ trưởng mới dám nghĩ, dám làm, dù cơ chế hiện nay chưa cho phép sự thể hiện cá nhân. Theo ông, báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ những vấn đề trên, chưa làm rõ ngành, địa phương làm tốt và chỉ thật rõ những ngành, lĩnh vực yếu kém gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Chính phủ tổng kết 5 bài học kinh nghiệm nhưng đề nghị bổ sung thêm bài học thứ 6, đó là bài học về bản lĩnh, trách nhiệm của các đồng chí bộ trưởng, các thành viên Chính phủ và người đứng đầu ở các địa phương.

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu yêu cầu làm rõ trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ, bố trí nhân sự phù hợp. Dĩ nhiên, việc bố trí, sắp xếp nhân sự là việc của cả hệ thống, không riêng một ai, nhưng vì việc này sẽ tác động to lớn đến sự phát triển của giai đoạn tới nên việc bố trí, sắp xếp nhân sự phải được tính toán cẩn trọng. ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) đề nghị tuyển chọn công chức cần có tính cạnh tranh, công khai minh bạch, thông qua cống hiến của họ mà xã hội nhìn thấy. Đừng chọn người nói thì hay, làm thì dở nhưng tìm mọi cách xoay xở để lên lãnh đạo. Các cấp ngành cương quyết chống bệnh ăn xổi ở thì. Nếu còn một ngày làm công chức thì cũng phải tận tụy. Đồng thời với đó, những người trúng cử ở các vị trí đứng đầu các bộ ngành, địa phương trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 phải có lời hứa và trong chương trình hành động của mình phải có nội dung chống tham nhũng, lãng phí trước hết từ bản thân để làm gương cho người khác. Cần đưa vào Luật Hình sự tới đây tội gây lãng phí.

Chính phủ kiến nghị cho TPHCM tiếp tục đưa người nghiện ma túy vào cơ sở xã hội

Tại phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 2-11, ĐBQH Đỗ Văn Đương (TPHCM) đã thay mặt đoàn ĐBQH TPHCM kiến nghị Quốc hội đưa vào trong Nghị quyết về kinh tế - xã hội năm 2016 có một điểm tương tự như điểm 5 của Nghị quyết 77 để TPHCM tiếp tục đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội.

Trong phần đăng đàn tại Quốc hội ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, tổng kết 1 năm thực hiện nội dung này, Bộ LĐTB-XH đã có báo cáo Chính phủ tại phiên họp tháng 10 vừa qua. “Chính phủ đã đồng ý tiếp tục báo cáo đề nghị Quốc hội cho tiếp tục thực hiện nội dung này theo Nghị quyết 77”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, hiện bộ đã xây dựng chuẩn nghèo mới: nông thôn thu nhập 700.000 đồng/người/tháng/nông thôn; 900.000 đồng/người/tháng/thành thị. Khi thực hiện chuẩn này, Chính phủ vẫn tiếp tục trình Quốc hội thực hiện chương trình quốc gia về giảm nghèo. Theo đó, khi công bố chuẩn nghèo, bộ sẽ tiếp tục rà soát, nhất là ở 64 huyện nghèo. Nguồn lực dành cho chương trình giảm nghèo bền vững là 48.000 tỷ đồng vẫn tiếp tục được thực hiện. Đến tháng 8-2015, số người tham gia bảo hiểm tự nguyện tăng 17,2%. Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2020, 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong điều kiện hiện nay, lượng người tham gia BHXH tăng chậm, vì vậy bộ đang trình Chính phủ chính sách hỗ trợ để người tham gia bảo hiểm tự nguyện tham gia BHXH nhằm đạt mục tiêu đề ra. 

PHAN THẢO - ANH PHƯƠNG

Thông tin liên quan:

>> Chú trọng yếu tố con người trong bộ máy hành chính 

Tin cùng chuyên mục