Tại sao phải phân biệt?

Khi danh sách các phim dự thi giải Cánh diều được công bố, rất nhiều ý kiến cho rằng chưa có lúc nào phim của nhà nước bị thu hẹp đến mức tội nghiệp như thế? Chỉ có 2 trong 12 phim dự giải. Mùa tranh giải này đã cho thấy rõ nhất thực lực của các hãng phim nhà nước trước sự phát triển mạnh mẽ của các hãng phim tư nhân… Đó là một sự thật, vì nếu nhìn trên bình diện chung của thị trường điện ảnh hiện nay, rõ ràng có sự mất cân bằng lớn ấy. Nhưng tại sao đến giờ này chúng ta vẫn còn phân biệt phim tư nhân và phim nhà nước? Bởi vì điện ảnh Việt Nam chỉ có một và chỉ có một cụm từ duy nhất để bạn bè thế giới biết đến, đó là điện ảnh Việt Nam.

Vì vậy, khi tranh giải Cánh diều, tất cả mọi hãng phim đều đứng ngang nhau và tất cả những người có mang dòng máu Việt, dù không có quốc tịch Việt vẫn có quyền tranh giải. Điều đó là đương nhiên, vì không ai đi xem phim lại hỏi tác giả phim này có quốc tịch Việt không, kinh phí phim này lấy từ đâu? Phim và tác giả phim chỉ có hai khái niệm duy nhất, phim hay và phim dở; tài năng hay bất tài.

12 bộ phim được sản xuất trong năm 2011 đã khái quát được gương mặt điện ảnh Việt Nam trong năm qua với khá nhiều thể loại: truyền thống cách mạng, tâm lý xã hội, kinh dị, hài… và hầu hết đã đi vào công chúng khá tốt qua những dịp lễ tết… chỉ còn lại 3 phim Mùi cỏ cháy, Tâm hồn mẹ và Đó… hay đây còn đang chờ cơ hội phát hành.

Mùi cỏ cháy, một câu chuyện thời chiến làm xao động lòng người, 4 chàng trai từ bỏ mái trường đại học vào chiến trường Thành cổ Quảng trị. Chiến trận quá khốc liệt, dòng sông Thạch Hãn đã ôm trọn cả chứng tích đau thương của dân tộc, 107 bộ đội qua sông, đến nơi điểm quân chỉ còn 49, máu loang đỏ cả dòng sông, những chàng trai phơi phới mới nhìn thấy nụ cười hôm qua, ngày hôm sau đã biến mất. – “Bạn bè tôi trong chiến dịch 72; Thịt xương nhiều hơn đất đai Thành cổ; Bao người lính ra đi không về nữa; Để đất đai mãi mãi xanh màu” (Hoàng Nhuận Cầm). Đó là bài thơ bi tráng về những năm tháng không thể quên của cả dân tộc. Và thực sự nó đã cứa vào lòng người đương đại bằng lời nhắn gửi: Để giành được những gì chúng ta đang có hôm nay, ta đã phải trả bằng rất nhiều máu, nhưng thực sự ta đã sống xứng đáng chưa?

Hai bộ phim Long ruồi và Sài Gòn Yo đều đi vào vấn đề đương đại, với cái nhìn rất nhân văn. Long ruồi mang yếu tố hài với đầy đủ những màn gây cười, đôi lúc khá thô thiển để lấy doanh thu (43 tỷ vẫn luôn là con số mơ ước của tất cả nhà sản xuất phim) nhưng ẩn chứa một ý nghĩa khá sâu sắc. Chất phác, nhân hậu nhưng rất thông minh, đó là bản chất của người nông dân Việt, dầu đặt anh ta ở vị trí nào, anh ta vẫn giữ nguyên bản chất ấy, đó cũng chính là bản sắc của dân tộc Việt.

Sài Gòn Yo đặc biệt đi vào giới trẻ hiện đại với điệu nhảy hiphop, nhưng ở đây không hề là những cảnh ăn chơi sa đọa, những kiểu đốt tiền của các cậu ấm cô chiêu mà đi vào chiều sâu của một lớp trẻ đầy ý thức trách nhiệm với xã hội. Hiphop là điệu nhảy thời thượng, nhưng nó chỉ thực sự hòa được vào người nhảy một cách thăng hoa nhất khi người ta đủ đam mê và đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn, bất trắc của cuộc đời… Cuộc chiến thắng thi nhảy hiphop của những đứa trẻ đường phố với các thiếu gia con nhà giàu chính là một hiện thực có thật của Sài Gòn, dù tác giả bộ phim chỉ mang nửa dòng máu Việt, nhưng dường như anh hiểu Sài Gòn từ trong mọi ngóc ngách của nó, điều mà không phải người Sài Gòn nào cũng nhìn thấy…

Gương mặt của điện ảnh cả nước năm 2011 hội tụ về dưới Cánh diều, đã khắc lên một dấu ấn rõ nét, nhìn xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, làm nên một bức tranh tổng thể về con người, đất nước Việt Nam. Để chúng ta hiểu rằng, chuyện làm phim là chuyện của xã hội, trong đó ngân sách nhà nước chỉ góp một phần. Với khán giả, chỉ có phim hay hoặc phim dở, chỉ có người tài và kẻ bất tài. Và đúng theo quy luật, những hạt vàng sẽ mãi mãi trường tồn!

Ngô Ngọc Ngũ Long

Tin cùng chuyên mục