Tài trợ có mục tiêu

Ngày 8-2, Chính phủ Đức tuyên bố sẽ tài trợ 15 triệu EUR (tương đương 17,1 triệu USD) trong 3 năm tới để triển khai 10 dự án nghiên cứu mới chống tình trạng tin giả tràn lan trên mạng.

Theo thông báo của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu liên bang (BMBF), các dự án sẽ tập trung vào việc tăng cường nhận biết, hiểu và chống lại thông tin sai lệch trên môi trường trực tuyến.

Một trong những dự án nghiên cứu sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận ra thông tin sai lệch dựa trên các đặc điểm về ngôn ngữ và cách viết. Mục đích là tạo ra một ứng dụng cảnh báo người dùng khi phát hiện những yếu tố đáng ngờ trong thông tin.

Trong khi đó, một dự án khác sẽ nghiên cứu phát triển hệ thống hỗ trợ giúp phát hiện những thông tin sai lệch bằng cách tự động sàng lọc dữ liệu, phân loại trước các văn bản và hình ảnh nghi ngờ. Hệ thống này cũng sẽ truy vết các đường dẫn phát tán tin giả. Bên cạnh những dự án chống tin giả, BMBF cũng đặt mục tiêu tài trợ ít nhất 350 triệu EUR từ nay đến năm 2026 để nghiên cứu về an ninh công nghệ thông tin, bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư.

Tin giả nhưng hiểm họa là thật. Tin giả là một loại virus độc hại, tác động xấu đến nhận thức, hành vi cá nhân, từ đó làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội. Trước đó, Chính phủ Đức đã tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến về kỹ năng truyền thông với trọng tâm là kiểm duyệt nội dung và hướng dẫn quy định về bảo vệ dữ liệu chung để các mạng lưới truyền thông cộng đồng địa phương đưa ra tin tức thực tế về khu vực của họ.

Tuy nhiên, nước Đức - cũng như hầu hết các nước khác trên thế giới, vẫn còn vật lộn với thách thức khan hiếm các cơ chế quản lý giải quyết nạn tin giả như thiếu các cuộc kiểm toán độc lập, bao gồm các công cụ đánh giá các thuật toán truyền thông xã hội.

Nói như Bộ trưởng BMBF Bettina Stark-Watzinger, việc thiếu kiểm toán độc lập, thiếu minh bạch trong việc kiểm tra thực tế và các thuật toán cơ bản được sử dụng bởi các nền tảng truyền thông xã hội cho thấy nhu cầu triệt tận gốc nạn tin tức giả cũng như thúc đẩy cuộc chiến chống những thông tin sai lệch thông qua tài trợ nghiên cứu có mục tiêu là cấp bách và ngay lập tức.

Tin cùng chuyên mục