Tài trợ đúng nơi!

1. “Cô ơi, nếu lỡ để nón bảo hiểm bị hư có được đổi nón mới không cô?”, “Cô ơi, tập cũ lỡ xài hết rồi có được phát thêm nhãn vở mới không cô?”… Đó là hai trong số rất nhiều câu hỏi hồn nhiên của các em học sinh khối lớp 1 và 2 Trường Tiểu học Cầu Xáng (huyện Bình Chánh, TPHCM) tại lễ phát động chiến dịch “Đội nón bảo hiểm đạt chuẩn cho gia đình” do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng Quỹ Phòng chống thương vong châu Á và Công ty Abbot Việt Nam thực hiện.

Nhìn các em nhỏ háo hức cầm trên tay những chiếc nón bảo hiểm mới tinh, reo vui với những xấp nhãn vở, quạt giấy do chương trình trao tặng, không ít phụ huynh và những người có mặt ở sân trường hôm đó cảm thấy vui lây với niềm hạnh phúc rất đỗi “học trò” của những trẻ em ở vùng quê nghèo khó.

Anh Nguyễn Bá Dậu, một phụ huynh có con học tại đây cho biết: “Trị giá các món quà tặng tuy không 
cao nhưng ngoài ý nghĩa giáo dục cho con em về ý thức đội nón bảo hiểm, những chiếc nhãn vở, quạt giấy còn giúp các cháu có thêm niềm vui đến trường”. Khi được hỏi có thêm đề đạt, nguyện vọng gì với chương trình, anh Dậu cho biết mong sẽ có thêm nhiều chương trình chăm lo, hỗ trợ cho học sinh nghèo ở các huyện ngoại thành.

2. Cách đây chưa lâu, báo chí từng phanh phui một dự án từ thiện “cười ra nước mắt” khi đơn vị tổ chức chọn một trường điểm ở thành phố nọ, nằm ngay khu vực trung tâm, vị trí thuận lợi, mỗi năm có hàng trăm đoàn khách du lịch qua lại để tài trợ xây dựng mới, dù cơ sở vật chất hiện tại của trường chưa đến mức khó khăn. Bi hài hơn, một doanh nghiệp đã có sáng kiến đề nghị xây dựng mới… cổng một trường tiểu học ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dù việc này không thật sự cần thiết.

Trong khi cách đó không xa, có một trường mẫu giáo “trông đã bệ rạc lắm rồi” (nguyên văn lời của một cán bộ Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Nam Đàn) nhưng không được doanh nghiệp nào chọn để đầu tư xây dựng. Điều hiển nhiên là bất kỳ công trình tài trợ nào sau khi hoàn thành, dù lớn hay nhỏ đều được gắn một tấm biển thật to, ghi tên đơn vị tài trợ, đặt ở vị trí dễ nhìn thấy nhất. Nói như nhận định đầy chua chát của phó hiệu trưởng một trường mầm non công lập ở tỉnh Nghệ An: “Nơi cần thì không có, trong khi nơi có lại được (hay bị) thuyết phục để nhận thêm”.

3. Hai câu chuyện, hai gam màu trái ngược. Bà Nguyễn Diệu Nương, Giám đốc Chương trình quốc gia Quỹ Phòng chống thương vong châu Á cho biết, tiêu chí lựa chọn đơn vị nhận tài trợ nón bảo hiểm không phân biệt trường ở khu vực ngoại thành hay nội thành mà dựa vào nhu cầu thực tế (trường có tỷ lệ học sinh hay phụ huynh chở đến trường bằng xe máy cao nhưng tỷ lệ học sinh đội nón bảo hiểm lại rất thấp, trường nằm ngay đường lớn, trục quốc lộ, khu vực đông dân nhập cư, có nhiều nguy cơ rủi ro về an toàn giao thông…) và tính chất cần thiết của những món quà được trao tặng.

Trong khi đó ở một bình diện khác, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết, một khi doanh nghiệp đã đề xuất với địa phương tài trợ một công trình nào đó là họ đã có sự thẩm định và lựa chọn rồi, địa phương dẫu muốn can thiệp cũng không được. “Nếu có một phép màu tôi sẽ bốc nguyên cơ ngơi xây dựng của công trình này qua chỗ khác, nơi cần có sự cải tạo hơn. Nhưng tiếc là địa phương không làm được việc đó, doanh nghiệp cho gì thì mình nhận đó thôi”, trưởng phòng giáo dục địa phương nọ cho hay.

Qua đó cho thấy, các hoạt động tài trợ giáo dục chỉ thật sự có ý nghĩa khi được trao đúng địa chỉ, nếu không sẽ chỉ khiến bức tranh giáo dục thêm khập khiễng. Và những ai đã có tâm với nền giáo dục, xin đừng đem hai chữ “PR” vào một lĩnh vực vốn cần sự chia sẻ và ủng hộ nhiều hơn là lạm dụng, quảng bá. Mong lắm thay!

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục