Dư luận người dân TPHCM rất bất bình, bức xúc vì nạn xe buýt chạy ẩu, lấn tuyến, liên tục gây tai nạn giao thông. Ngoài những nguyên nhân chủ quan do lỗi của tài xế bất cẩn, thực tế cho thấy có nhiều nguyên nhân khách quan cần được giải quyết thấu đáo để xe buýt không bị xem là “hung thần” trên các tuyến đường.
Bắt buộc lấn tuyến
Mỗi ngày, trên địa bàn TPHCM có hơn 3.000 xe buýt hoạt động vận chuyển hành khách. Nhằm giảm phương tiện xe cá nhân gây ùn tắc, kẹt xe, xe buýt được xem là phương tiện vận tải hành khách công cộng tiện ích. Tuy nhiên, việc vận tải hành khách bằng xe buýt trong một đô thị có mật độ dân cư quá cao luôn đặt ra nhiều sức ép với các bác tài như phải đảm bảo đúng thời gian về bến; phải lưu thông chiếc xe cồng kềnh qua nhiều tuyến đường hẹp, chen chúc giữa rừng xe máy, trong đó có nhiều người chạy rất ẩu...
Đã có không ít vụ xe buýt gây tai nạn thương tâm, thậm chí gây chết người. Cụ thể, chỉ trong ngày 5-12, trên đường Âu Cơ đã xảy ra 2 vụ tai nạn do xe buýt gây ra. Vụ thứ nhất vào trưa ngày 5-12, một phụ nữ bị xe buýt đụng ngã, cán qua bàn tay. Vụ thứ hai sau đó khoảng 2 giờ, xe buýt đụng và cán ngang qua người anh Hồ Đắc Hưng, khiến anh chết tại chỗ. Quan sát hiện trường thấy đoạn đường quá hẹp nhưng mật độ xe lớn, xe máy lưu thông dày đặc. Ban ngày cũng như ban đêm, tuyến đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Đoạn đường gần bùng binh Lê Đại Hành, giao lộ Thoại Ngọc Hầu - Âu Cơ xe buýt thường phải chạy lấn tuyến, chạy vào làn đường xe hai bánh để có thể thoát đoàn xe rồng rắn.
Thực tế việc bố trí xe buýt vẫn chưa được hợp lý, nhiều tuyến đường quá hẹp nhưng ngành giao thông - vận tải vẫn đưa xe buýt lớn vào lưu thông. Xe buýt chiếm hết 3/4 tuyến đường, chỉ còn lại một phần nhỏ cho xe máy. Cho nên nhiều khi tài xế xe buýt phải bất đắc dĩ lấn tuyến, ép xe máy.
Giành khách
Việc xe buýt lưu thông trên nhiều tuyến đường đã trở thành nỗi ám ảnh cho người đi xe hai bánh. Đường Lê Thị Hồng Gấm - Ký Con gần chợ, nhiều người buôn bán nhưng nhiều tài xế xe buýt chạy qua đây vẫn phóng nhanh. Ngày 6-12, chiếc xe buýt số 39 đã tông một thanh niên đang đi qua ngã tư. Đường Cách Mạng Tháng Tám kéo dài đến Trường Chinh, Phan Văn Hớn (quận 12, Hóc Môn), Bà Hom, tỉnh lộ 10… thường xuyên xảy ra tình trạng xe buýt chạy lấn hết làn đường xe máy, thậm chí vượt đèn đỏ.
Đường Lê Quang Định có 2 tuyến xe buýt 18 và 24 chạy. Ngồi trên xe buýt tuyến 24, chúng tôi chứng kiến nhiều đoạn tài xế cố tình chạy chậm để gom hết khách của xe tuyến 18. Khi vừa thấy xe buýt tuyến 18 chạy gần lên, xe tuyến 24 liền tăng tốc chạy thật nhanh. Xe tuyến 18 cũng tăng tốc, quyết liệt vượt xe tuyến 24 để kiếm khách. Một người dân cư ngụ trên tuyến đường này cho biết: “Ngày nào cũng vậy, xe buýt của hai tuyến 18 và 24 đua nhau giành khách, chạy bạt mạng, bất chấp sinh mạng người đang tham gia lưu thông”.
Dư luận phê phán mạnh khi xem đoạn video clip quay cảnh một xe buýt chạy ẩu, lấn sang đường ngược chiều để né một chiếc ô tô đang dừng đèn đỏ, rồi vượt đèn đỏ suýt chút nữa tông phải xe máy chạy ngược chiều. Vụ việc xảy ra tại giao lộ Hai Bà Trưng - Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM) vào sáng 2-12, được ghi lại bởi camera hành trình của ô tô. Qua hình ảnh cho thấy xe buýt đã phạm liên tục nhiều lỗi. Có ý kiến đặt vấn đề: Vì sao đã xảy ra nhiều vụ xe buýt chạy ẩu gây tai nạn giao thông chết người mà các tài xế xe buýt vẫn không cảnh tỉnh, thường xuyên phóng nhanh, vượt ẩu?
Trách nhiệm của nhà xe?
Hiện nay, các tài xế xe buýt chạy cho doanh nghiệp tư nhân phải chịu rất nhiều áp lực từ xăng dầu, vé, thời gian... Nếu về bến muộn 5 phút phải chạy thay vòng cho đủ số và còn bị phạt. Trong khi để chạy về bến đúng thời gian trong điều kiện TP đường hẹp xe đông, thường xuyên ùn tắc giao thông không dễ chút nào. Lại còn phải thu đủ vé, không đủ sẽ phải bỏ tiền túi bù lỗ. Thế nên tài xế phải xé rào dừng trạm lâu để chờ khách, rồi phóng nhanh để kịp về bến. Theo Cảnh sát giao thông, xe buýt thường phạm lỗi lạm dụng quyền ưu tiên khi chạy vào làn đường xe hai bánh, lấn tuyến, bấm còi liên tục. Thực tế đó cho thấy cần phải cải tiến việc điều hành vận chuyển của xe buýt: bố trí xe buýt loại nhỏ lưu thông ở các tuyến đường hẹp và có lưu lượng xe quá lớn; quy định và kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ lộ trình, giờ giấc lưu thông trên tuyến; xử lý nghiêm những trường hợp tài xế cố tình vi phạm an toàn giao thông. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt bên cạnh doanh thu cũng phải chấp hành đúng các quy định hiện hành, không được ép tài xế bằng nhiều quy định khắt khe, là nguyên nhân dẫn đến tai nạn.
Hải Thanh