Kết quả kiểm toán SCIC: Bất cập trong hoạt động, vượt rào thu nhập

Hôm qua (2-12), Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã công bố kết quả một số cuộc kiểm toán năm 2009. Đáng chú ý trong số đó là kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008 của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và việc cấp bù lỗ tại các đầu mối nhập khẩu xăng dầu, giai đoạn 2006-2008. 

Hôm qua (2-12), Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã công bố kết quả một số cuộc kiểm toán năm 2009. Đáng chú ý trong số đó là kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008 của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và việc cấp bù lỗ tại các đầu mối nhập khẩu xăng dầu, giai đoạn 2006-2008. 

SCIC phải nộp và tăng thu khoảng 1.180 tỷ đồng 

Năm 2008, theo kết quả kiểm toán, SCIC có tổng thu nhập hơn 2.268 tỷ đồng, tăng 78% so với năm 2007 (con số SCIC báo cáo là hơn 2.196 tỷ đồng), tổng chi phí là 929,8 tỷ đồng, tăng 237% so với năm 2007. Theo đánh giá của KTNN, qua hơn 2 năm hoạt động, SCIC đã bước đầu thực hiện có hiệu quả cơ chế mới về quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, chuyển từ phương thức cấp phát vốn sang phương thức đầu tư và kinh doanh vốn, tách chức năng quản lý hành chính nhà nước với quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động SCIC đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là quản lý và sử dụng tài sản, nguồn vốn; quản lý các khoản thu nhập, chi phí; chế độ lương, thưởng; tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp… còn nhiều bất cập.

Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị SCIC còn phải nộp ngân sách số thuế tính đến 31-12-2008 là 25,2 tỷ đồng; điều chỉnh doanh thu, thu nhập năm 2008 là 72,6 tỷ đồng; tăng các khoản thu về cổ tức 31,1 tỷ đồng, tăng vốn đầu tư tại các doanh nghiệp hơn 45,1 tỷ đồng; điều chỉnh tăng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương 1.006 tỷ đồng từ lãi tiền gửi ngân hàng năm 2008 của quỹ (trong đó, tăng lãi dự thu 838 tỷ đồng). Tổng số tiền mà KTNN kiến nghị SCIC phải nộp và tăng thu khoảng 1.180 tỷ đồng. 

Liên quan đến vấn đề lương, thu nhập, theo KTNN, quỹ tiền lương của lãnh đạo SCIC được duyệt là 1,473 tỷ đồng nhưng thực tế năm 2008 SCIC đã chi trả 2,642 tỷ đồng (vượt hơn 1,1 tỷ đồng). Thu nhập bình quân của lãnh đạo SCIC khi xây dựng kế hoạch trình Bộ Tài chính, Bộ LĐTB-XH là 40 triệu đồng/tháng nhưng thực tế năm 2008, thu nhập bình quân là 78,5 triệu đồng, gấp 1,96 lần so với kế hoạch.

Kiến nghị thu hồi trên 87 tỷ đồng bù lỗ xăng dầu 

Trong chuyên đề kiểm toán về cấp bù lỗ mặt hàng dầu tại các đầu mối nhập khẩu xăng, dầu giai đoạn năm 2008, KTNN nhận định, 10 đầu mối nhập khẩu xăng, dầu cơ bản đã chấp hành pháp luật của nhà nước; việc cấp bù lỗ đã hỗ trợ các đầu mối thực hiện nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước… Tuy nhiên, trong thực hiện vẫn còn những tồn tại, bất cập như: một số đầu mối nhập khẩu áp dụng mức chiết khấu bán hàng cao hơn quy định; có đơn vị tại một số thời điểm nhà nước tăng giá bán nhưng vẫn bán cho một số trường hợp theo giá cũ… Chính vì vậy, qua kiểm toán, KTNN đã phải điều chỉnh giảm số lỗ kinh doanh các mặt hàng dầu đề nghị nhà nước cấp bù trên 1.025 tỷ đồng. 

Tổng hợp kết quả kiểm toán từ 77 báo cáo kiểm toán đã phát hành và trình phát hành của năm 2009 tính đến 30-11, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính trên 6.566 tỷ đồng, gồm: tăng thu 1.909 tỷ đồng; các khoản giảm chi 2.488 tỷ đồng; các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm 172 tỷ đồng… 

Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính trên 1.025 tỷ đồng, trong đó, thu hồi số tiền cấp bù lỗ các mặt hàng dầu tăng thu cho ngân sách trên 87 tỷ đồng (năm 2006 và 2007); giảm quyết toán, giảm cấp bù lỗ các mặt hàng dầu năm 2008 từ ngân sách gần 938 tỷ đồng. Cơ quan kiểm toán cũng kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Tài chính doanh nghiệp căn cứ kết quả kiểm toán yêu cầu hoàn trả ngân sách số tiền cấp bù vượt quy định cho các đầu mối năm 2006 và 2007; tổ chức thẩm định, phê duyệt quyết toán và cấp bù lỗ kinh doanh các mặt hàng dầu năm 2008 cho các đầu mối theo quy định hiện hành.

Đoàn kiểm toán cũng kiến nghị Bộ Công thương phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng, ban hành định mức hao hụt xăng, dầu làm căn cứ pháp lý định hướng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu xây dựng định mức hao hụt thống nhất. Bởi trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn sử dụng định mức hao hụt theo Quyết định 758 từ năm 1986 để quyết toán và hưởng bù lỗ, trong khi một số doanh nghiệp đã nhiều lần xây dựng lại định mức và đã giảm đáng kể tỷ lệ hao hụt so với Quyết định 758, dẫn đến tình trạng cấp bù lỗ thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp 

NGỌC QUANG 

Kiến nghị làm rõ khoản lỗ 31 triệu USD tại Jetstar Pacific 

Liên quan đến công tác cổ phần hóa, quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, KTNN đã phát hiện nhiều tồn tại. Cụ thể đó là trường hợp của CTCP Hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA).

Tính đến năm 2008, JPA đã lỗ lũy kế 1.137 tỷ đồng (riêng năm 2008 lỗ 546 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu âm 121 tỷ đồng. Đáng lưu ý trong đó là vấn đề quản lý chi phí xăng dầu. Chẳng hạn, 2 phó tổng giám đốc của JPA thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro xăng dầu năm 2008, không tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc thực hiện và không báo cáo HĐQT, ban điều hành nên đã làm cho JPA lỗ hơn 31 triệu USD.

Lỗ như vậy nhưng cơ chế trả lương của JPA lại hoàn toàn đối nghịch. Dù thua lỗ kéo dài song công ty vẫn trả lương cho ban lãnh đạo với mức thu nhập rất cao không tương xứng với kết quả hoạt động. Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề này, ông Lê Minh Khái, Phó Tổng KTNN cho biết, trong đó có trường hợp trả lương cho chuyên gia nước ngoài cao hơn hẳn so với mặt bằng chung.

Tin cùng chuyên mục