Buông và giữ

Kết thúc 3 phiên giao dịch đầu tuần, VN Index giảm 16,1 điểm, xuống 425,5 điểm. HNX Index giảm 3,89 điểm, xuống 97,73 điểm.
Buông và giữ

Kết thúc 3 phiên giao dịch đầu tuần, VN Index giảm 16,1 điểm, xuống 425,5 điểm. HNX Index giảm 3,89 điểm, xuống 97,73 điểm.

3 phiên liên tiếp thanh khoản trên cả 2 sàn đều diễn biến theo xu hướng tăng. Hôm qua GTGD tại HOSE đạt gần 1.000 tỷ đồng, tại HNX đạt hơn 500 tỷ đồng. Điều này cho thấy một số NĐT vẫn kỳ vọng ngưỡng 420 điểm có thể hỗ trợ mạnh cho thị trường, nên đã ra tay bắt đáy.

Bên cạnh đó, nhiều CP đã giảm giá thấp hơn rất nhiều so với thời điểm VN Index giảm về 420 điểm cách đây vài tháng. Một số CP của ngành vận tải biển sau một thời gian giảm giá, hôm qua đã được mua vào khá mạnh. Nhưng nhìn vào diễn biến của phiên giao dịch hôm qua, lực bắt đáy nếu có cũng hết sức mong manh, hầu hết trở nên yếu dần sau 9 giờ 30 phút. Có thể nói giữa NĐT tổ chức và NĐT cá nhân đang ở thế “gườm nhau”, mỗi bên đều muốn mượn sức của bên kia để đẩy lên thay vì hợp lực, cho thấy sự lưỡng lự của cả thị trường.

Theo dõi lệnh được đưa vào thị trường, có thể thấy dấu ấn của các tổ chức đầu tư hết sức mờ nhạt. Hầu hết NĐTNN vẫn tập trung tại các mã có vốn hóa lớn như BVH, MSN, VIC; tính tổng các giao dịch cho thấy NĐTNN lại chuyển sang bán ròng.

Cơ hội chưa rõ ràng khiến NĐT ngại tham gia thị trường. Ảnh: T. ANH

Cơ hội chưa rõ ràng khiến NĐT ngại tham gia thị trường. Ảnh: T. ANH

Trong chính nhóm blue chip cũng bắt đầu có sự phân hóa thành 2 nhóm tăng giảm khá rõ rệt. Khi một bên mua vào để đỡ, trong khi bên còn lại vẫn bán ra, các chỉ số khó trụ vững. Lực mua phiên hôm qua thực chất là dò đáy nhiều hơn là bắt đáy và nếu hôm nay và ngày mai, các tổ chức không ra tay mạnh, rất dễ để VN Index giảm xuống dưới ngưỡng 420 điểm.

Những ngày gần đây, thị trường râm ran về áp lực giải chấp xuất hiện trở lại. Suy luận một cách thông thường, với diễn biến không thuận lợi của thị trường trong 2 tháng trở lại đây, sẽ không có nhiều người dám sử dụng đòn bẩy tài chính, vì vậy áp lực giải chấp cũng sẽ hạn chế.

Nhưng cần lưu ý rằng không ít CTCK vì để giữ cho mình một nguồn thu ổn định, nên cũng đã tìm mọi cách để “dụ” NĐT vay tiền. Bên cạnh đó, một vài CTCK cũng tiến hành cho NĐT vay tiền để mua CP của chính mình.

Chính vì vậy, áp lực giải chấp mặc dù không lớn, nhưng cũng có và diễn ra đối với một số CP. Theo CTCK Dầu Khí, việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm ngày thứ 3 liên tiếp, GTGD qua thị trường mở giảm xuống 11.000 tỷ đồng, cho thấy những tín hiệu giảm bớt căng thẳng trên thị trường tiền tệ. Giá vàng hạ về xung quanh mức 34 triệu đồng/lượng, USD chợ đen duy trì quanh mốc 21.000 VNĐ/USD hỗ trợ phần nào  tâm lý NĐT trong ngắn hạn.

Trong tuần sau, thông tin về CPI  tháng 11 sẽ  thu hút sự chú ý của NĐT. Tuy nhiên, định hướng cơ bản của cơ quan quản lý tiếp tục giữ ổn định vĩ mô trong năm 2011 sẽ ít thay đổi, ngay cả khi chỉ số CPI hạ nhiệt so với 2 tháng gần đây.

Lãi suất cho vay đang được ghi nhận tại mức 20% cũng gây khó khăn đối với những doanh nghiệp muốn vay vốn mở rộng sản xuất. Các yếu tố đó vẫn chưa cho  thấy  triển vọng của thị trường trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, giao dịch thị trường đang cho thấy sự lưỡng lự của bên bán, đây có thể là cơ hội hồi phục ngắn hạn của VN Index. Biến động tương ứng với xác suất hình thành hiện tượng Pull-backs tại vùng giá hiện tại và kháng cự gần nhất tại 440 điểm của VN Index.

Do đó, trong ngắn hạn, NĐT cần thận trọng trước các quyết định mua vào hoặc bán ra. Thị trường có thể đem lại cơ hội đầu cơ cho những người chủ động về lượng CP nhưng vẫn hàm chứa rủi ro cao với những nhà đầu cơ T+4. Theo CTCK BIDV-BSC, chỉ nên giải ngân một phần danh mục để đón đợt hồi phục ngắn, vẫn phòng trường hợp đợt hồi phục không đủ mạnh. Cơ hội vẫn chưa thực sự rõ ràng, NĐT ngại rủi ro nên tiếp tục đứng ngoài.

PHAN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục