Đầu tư chứng khoán: Chịu thiệt ngắn hạn, tìm lãi dài hạn

Trên thị trường chứng khoán (TTCK) hiện nay, trong khi nhà đầu tư (NĐT) trong nước vẫn liên tục xả hàng, thì nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đi theo hướng ngược lại. Dẫu biết rằng những khoản đầu tư của khối ngoại hiện chưa mang lại hiệu quả, thậm chí thua lỗ, nhưng động thái này chứng tỏ tính chuyên nghiệp và tầm nhìn xa của họ.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK) hiện nay, trong khi nhà đầu tư (NĐT) trong nước vẫn liên tục xả hàng, thì nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đi theo hướng ngược lại. Dẫu biết rằng những khoản đầu tư của khối ngoại hiện chưa mang lại hiệu quả, thậm chí thua lỗ, nhưng động thái này chứng tỏ tính chuyên nghiệp và tầm nhìn xa của họ.

  • Thua lỗ kép, vẫn mua

Thời gian qua giao dịch trên TTCK khá ảm đạm, thế nhưng trong khi NĐT trong nước sốt ruột muốn thoát khỏi thị trường thì khối NĐTNN liên tiếp mua ròng và chưa có dấu hiệu bán cổ phiếu (CP) mà họ nắm giữ trong suốt hơn 7 tháng qua (khối ngoại mua ròng kể từ tháng 3-2010). Mặc dù có nhiều dự báo của các tổ chức cho rằng NĐTNN đang rút dòng vốn khỏi thị trường Việt Nam, nhưng những con số thống kê trên thị trường niêm yết cho thấy khối ngoại vẫn đang mua ròng. Và đây chính là điểm tựa tạo động lực giúp thị trường vượt qua được giai đoạn khó khăn. Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã mua ròng trên 12.000 tỷ đồng, tương đương 600 triệu USD. Đặc biệt, chỉ riêng tháng 9 vừa qua, giá trị mua ròng khối ngoại đạt hơn 3.000 tỷ đồng.

Nếu nhìn trong ngắn hạn, có thể khẳng định phần lớn khoản đầu tư này gần như thua lỗ do thị trường liên tục đi xuống. Chưa thể thống kê chính xác khoản lỗ của khối ngoại, nhưng nếu làm phép so sánh nhỏ với thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, khoản thua lỗ của NĐTNN rất lớn (so với thời điểm đáy của năm 2008-2009 giá nhiều CP thậm chí còn thấp hơn). Theo thống kê từ CTCK Âu Việt (AVSC), chỉ riêng quý I-2008, NĐTNN đã lỗ trên TTCK Việt Nam hơn 1,3 tỷ USD. Ngoài việc thua lỗ do giá CP giảm, khối ngoại gánh thêm khoản thiệt hại về tỷ giá, trung bình từ đầu năm 2010 đến nay, chỉ tính về tỷ giá khối ngoại đã bị lỗ khoảng 10%. Như vậy, nếu chỉ tính khoản mua ròng từ đầu năm đến nay là 600 triệu USD, khối ngoại đã lỗ 60 triệu USD do chênh lệch tỷ giá. Không chỉ vậy, khối ngoại còn mất đi cơ hội khi TTCK thế giới tăng, còn TTCK Việt Nam lại giảm.

  • Kinh nghiệm thương trường Việt Nam

Câu hỏi được đặt ra là tại sao thua lỗ nhưng khối ngoại vẫn mua ròng thay vì tranh nhau bán bằng mọi giá để cắt lỗ như NĐT nội. Thực ra con số 600 triệu USD khối ngoại đã mua ròng từ đầu năm đến nay vẫn còn khá thấp nếu so với những năm trước đây. Từ năm 2006 cho đến đầu năm 2008, NĐTNN đứng trước áp lực phải giải ngân mạnh vào TTCK Việt Nam khi vào đà tăng mạnh. Con số này ước tính khoảng hơn 10 tỷ USD. Chiến lược đầu tư của khối ngoại khi đó vẫn là dài hơi (từ 3-6 năm), nên họ mua ròng và nắm giữ dài hạn.

Thậm chí, NĐTNN còn đầu tư vào thị trường OTC và cổ phần tư nhân để chờ khi lên sàn, mặc dù biết đầu tư dạng này có tính thanh khoản thấp. Do vậy danh mục đầu tư của họ rất đa dạng, có cả những CP chủ chốt và nhiều CP quy mô nhỏ và vừa. Thời điểm này, các quỹ đầu tư mạo hiểm (hedge funds) ít tham gia, chủ yếu là các quỹ đầu tư nước ngoài (country funds).

Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 khiến cho nhiều quỹ lâm vào tình trạng khó khăn và họ chuyển sang bán ròng để chốt lãi hoặc cắt lỗ. Khủng hoảng kinh tế cũng đã cho NĐTNN kinh nghiệm khi danh mục nhiều khoản đầu tư ban đầu không hiệu quả. Bởi với đặc thù của TTCK Việt Nam, mỗi khi thị trường đi xuống thanh khoản cũng xuống theo.

Do vậy, khi TTCK giảm sâu thanh khoản cũng giảm mạnh, NĐTNN khó có thể bán được và họ xác định nằm chờ thời chứ không vội bán tháo bán đổ như NĐT nội. Vào thời điểm khó khăn nhất của kinh tế thế giới và trong nước tháng 10-2008, bán ròng của khối ngoại tại TTCK Việt Nam cũng chưa tới 2.000 tỷ đồng/tháng.

Chính vì vậy việc khối ngoại mua ròng trong thời gian gần đây cũng là điều rút ra từ bài học ở TTCK từ đầu năm 2009. Theo các tổ chức phân tích nước ngoài, TTCK Việt Nam cũng như TTCK trong khu vực, điển hình là Trung Quốc, đều phục hồi nhanh và sớm hơn TTCK Hoa Kỳ và châu Âu (một phần do trước đó điều chỉnh sâu hơn), tức xác định chiến lược mua nhanh rồi bán nhanh. Hoạt động này thực chất cũng là dạng lướt sóng, nhưng khác với lướt sóng của NĐT nội, vẫn mang đặc điểm dài hạn (từ 6-12 tháng). Nghĩa là họ thường mua trong một “vùng đáy” của VN Index. Điều này cũng dễ hiểu vì với lượng tiền hàng chục triệu USD của mỗi quỹ, họ phải mua rải ra từ vài tuần đến vài tháng chứ không giải ngân hết một lần.

Ngoài những kinh nghiệm đúc kết từ những lần thất bại trong quá khứ, việc mua ròng của khối ngoại còn bởi giá CP hiện đã quá rẻ. Với mức P/E trung bình của thị trường hiện nay chỉ ở mức 9-10x rõ ràng cơ hội đầu tư giá trị quá hấp dẫn. Thống kê mới đây từ một CTCK, nếu so với TTCK của các nước trong khu vực, TTCK Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 30%. Với các quỹ đầu tư, đây là con số ấn tượng nên dù bị thua trong ngắn hạn, họ cũng chưa vội đánh giá sai về chiến lược đầu tư của mình. Có thể lấy các mã blue chip làm dẫn chứng: Khi giá hầu hết CP đều sụt giảm rất mạnh, blue chip như BVH hay MSN lại được khối ngoại nâng đỡ, thậm chí đi ngược xu hướng thị trường.

Trong khi đó đa phần NĐT nội đều chọn cách đầu tư lướt sóng nên dù biết giá CP đang thấp nhưng rất ít người dám bỏ tiền mua. Tâm lý đầu tư theo kiểu “ăn xổi” khiến không ít NĐT nội bỏ chứng khoán nhảy sang đầu cơ vàng và USD, nhưng số người thành công ở những kênh đầu tư này không nhiều.

Hải Hồ

Tin cùng chuyên mục