Phân tích kỹ thuật trên TTCK Việt Nam: Hư thực

Phân tích kỹ thuật (PTKT) xuất hiện trên TTCK Việt Nam khá muộn, nhưng lại nhanh chóng được NĐT ưa chuộng. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, số lượng NĐT sử dụng các công cụ kỹ thuật như biểu đồ, số liệu, thuật toán… để phân tích và dự báo diễn biến của VN Index hay HNX Index đã tăng lên đáng kể, nhất là những NĐT trẻ tuổi. Sự nổi lên của PTKT đã đem lại nhiều điều tích cực cho TTCK Việt Nam, nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít vấn đề cần phải mổ xẻ.
Phân tích kỹ thuật trên TTCK Việt Nam: Hư thực

Phân tích kỹ thuật (PTKT) xuất hiện trên TTCK Việt Nam khá muộn, nhưng lại nhanh chóng được NĐT ưa chuộng. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, số lượng NĐT sử dụng các công cụ kỹ thuật như biểu đồ, số liệu, thuật toán… để phân tích và dự báo diễn biến của VN Index hay HNX Index đã tăng lên đáng kể, nhất là những NĐT trẻ tuổi. Sự nổi lên của PTKT đã đem lại nhiều điều tích cực cho TTCK Việt Nam, nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít vấn đề cần phải mổ xẻ.

KỲ 1: Hiệu quả đảo lộn

Thoạt nhìn, PTKT kén người sử dụng hơn phân tích cơ bản vì đòi hỏi trình độ tư duy, năng khiếu và niềm đam mê thực sự. Nhưng TTCK vốn đầy rẫy tin đồn, chiêu thức làm giá và cả những rủi ro không thể lường trước, liệu có thể được nhận biết thông qua những con số, mẫu hình PTKT hay không? Tính hiệu quả của PTKT trên TTCK Việt Nam vẫn là một câu hỏi lớn.

  • Ranh giới giữa trí tuệ và hoang tưởng

PTKT manh nha xuất hiện từ năm 2003 bởi những NĐT tiền tệ, nhưng phải đến thời kỳ hoàng kim của TTCK (2006-2007) mới được chú ý. Ngày 19-10-2007, VN Index đóng cửa ở mức 1.097,07 điểm. Trong bài phân tích xuất hiện trên các phương tiện truyền thông vào ngày 22-10-2007, nhóm Hà Nội - Boston cho rằng VN Index đang hình thành mẫu hình “lá cờ tung bay”. Nếu mẫu hình này được khẳng định, VN Index sẽ tăng lên 1.250 điểm trong tháng 11.

Thế nhưng ngay sau đó, VN Index đã bước vào một giai đoạn điều chỉnh khủng khiếp và chỉ chịu dừng lại vào tháng 6-2008 khi vào khu vực 360 điểm. Với sai lầm này, nhóm Hà Nội - Boston đã phải nhận rất nhiều chỉ trích và sau đó mất dạng trên TTCK.

Lúc bấy giờ, có nhiều nhận định còn táo bạo hơn, khi cho rằng VN Index có thể lên 1.500 điểm, thậm chí 2.000 điểm, nhưng Hà Nội - Boston lại bị soi kỹ nhất vì nhóm này sử dụng PTKT, một phương pháp tương đối mới lúc bấy giờ. Cho đến thời điểm này, nhiều chuyên gia PTKT vẫn than rằng mình bị đối xử bất công vì dự báo thị trường đúng thì mọi người thấy bình thường, còn nếu sai sẽ trở thành… bia lãnh đạn của NĐT. Ranh giới giữa “trí tuệ, chính xác” và “nhảm nhí, hoang tưởng” của PTKT rất mong manh.

Sau nhóm Hà Nội - Boston, một chuyên gia người Singapore của một CTCK tiếp tục sử dụng PTKT để nhận định về diễn biến của VN Index và cũng gây được tiếng vang. Cuối tháng 7-2008, bất chấp VN Index khi đó đã chạm đáy 360 điểm và đang tăng trở lại, vị chuyên gia này cho rằng VN Index vẫn nằm trong xu hướng giảm giá và có thể xuống 300 điểm.

Đã có khá nhiều NĐT cảm thấy nghịch tai với nhận định này, nhưng thực tế đã diễn ra đúng như vậy vào cuối năm 2008. Nhưng sang đến năm 2009, các lời "phán" của vị chuyên gia này không còn “thiêng” như trước và rồi ông cũng rút khỏi TTCK Việt Nam. Cũng từ đây, NĐT thay vì nghe theo các chuyên gia PTKT đã chuyển sang tìm tòi, học hỏi để có thể tự mình phán đoán thị trường.

Có cầu ắt có cung, các CTCK đã sử dụng PTKT để chiều lòng khách hàng. Đầu tiên là việc một số CTCK bổ sung các công cụ PTKT trong hệ thống giao dịch trực tuyến của mình, đồng thời tổ chức tập huấn cho NĐT cách sử dụng. Bên cạnh đó, các bản báo cáo hàng ngày, hàng tuần của CTCK ngoài phân tích cơ bản còn bổ sung PTKT để chiều lòng các NĐT. Nhưng chỉ có số ít CTCK thực hiện các bản báo cáo này một cách nghiêm túc, số khác lại sử dụng PTKT nhằm khẳng định sự chuyên nghiệp, trí tuệ của mình hơn là đem lại ích lợi cho khách hàng.

Biểu đồ phân tích kỹ thuật của CTCK Âu Việt này 21-7-2010.

  • Bỏ ngỏ chất lượng

Một đợt sóng lớn vẫn chưa thể xuất hiện trên TTCK Việt Nam trong năm 2010. Nhiều NĐT đã chủ động tìm kiếm những cơ hội cho riêng mình và PTKT được xem là công cụ hữu hiệu nhất để bắt sóng CP. Cách đây chưa lâu, một nhóm nghiên cứu về PTKT đã tuyên bố sẽ bao lỗ cho NĐT nào nghe theo tư vấn của họ. Cơ sở để nhóm này tự tin như vậy là vì đã nghiên cứu được một hệ thống PTKT được đồn đoán là có độ chính xác rất cao, đã qua kiểm chứng thực tế. Khoảng 1 năm trở lại đây, các lớp học PTKT đã tăng lên khá nhanh.

Tham gia các lớp học này, NĐT sẽ được học những khái niệm cơ bản nhất về PTKT, cách sử dụng phần mềm metastock và quan trọng nhất là biết nhìn biểu đồ của CP có “đẹp” hay không. Một số CTCK hoặc đơn vị cung cấp số liệu còn tự viết ra một hệ thống PTKT riêng biệt để giúp NĐT sử dụng dễ dàng nhưng cũng dễ bề "trói" NĐT với công ty mình chặt hơn.

NĐT B. có 4 năm kinh nghiệm trên TTCK kể lại, đầu năm nay anh nghe ngóng được tin tức về một số CP có khả năng năng giá. Nhưng khi đó hoặc anh bán quá non hoặc mua vào khi CP đã tăng giá được một đoạn nên lợi nhuận đem lại khá thấp. Chính vì vậy, anh quyết định theo học một lớp PTKT vì nghe quảng cáo sẽ giúp bắt sóng chuẩn hơn.

Nhưng sau 1 tháng theo học, với số học phí tiền triệu, kiến thức thu được lại chẳng thể ứng dụng, vì thầy dạy đơn thuần lý thuyết, tính thực tế... tùy ở người học. Người ham thích PTKT đôi khi lại không thỏa mãn được niềm đam mê ở những lớp học này, còn người không có khiếu lại không hiểu gì. Một NĐT lâu năm chia sẻ, muốn học PTKT hãy tìm những người có kinh nghiệm và học một cách chậm rãi, hơn là chạy theo các lớp học được quảng bá rất kêu nhưng lại rỗng ruột.

Lý giải về nguyên nhân chất lượng PTKT không phát triển kịp với số lượng, một chuyên gia PTKT có thâm niên cho rằng hiện nay tại Việt Nam chưa có một trường lớp chính quy về PTKT nào, chính vì vậy người tiếp cận với PTKT đa phần tự mày mò nghiên cứu.

Nếu một người may mắn học được từ một “sư phụ” có kinh nghiệm, có tâm hoặc có sẵn tố chất về PTKT, sẽ sớm trở thành cao thủ. Ngược lại, người không có năng khiếu, lại không được ai hướng dẫn sẽ rất khó nâng cao kỹ năng PTKT. Tại TTCK nước ngoài, để trở thành một chuyên viên PTKT tại các tập đoàn tài chính lớn sẽ buộc phải có chứng chỉ CMT (Chartered Market Technician).

Tại TTCK Việt Nam, số lượng người đạt được chứng chỉ CMT rất hiếm hoi, phần vì không được đào tạo bài bản, phần vì chi phí để đạt được quá tốn kém, phải trải qua 3 lần thi, chi phí cho mỗi lần lên đến cả nghìn USD và sau khi đã đạt được chứng chỉ mỗi năm còn phải đóng vài trăm USD để duy trì.

Thái Ca - Đăng Nhã

Đón xem: Kỳ 2: Góc khuất

Tin cùng chuyên mục