Theo một thống kê mới đây, từ năm 2009 đến 2012, lực lượng Taliban đã phá hủy gần 840 trường học tại Pakistan trong các cuộc tấn công mà tổ chức Hồi giáo cực đoan này gọi là cuộc chiến chống lại phương Tây hóa, giáo dục thế tục. Gần đây nhất, ngày 16-12-2014, cuộc tập kích man rợ của Taliban vào một trường học cướp đi sinh mạng của 141 người, trong đó đa phần là học sinh.
Taliban tiến hành các vụ tấn công đẫm máu với mục đích khủng bố tinh thần người dân Pakistan, bắt họ phải phục tùng những luật lệ mà tổ chức này áp đặt. Tuy nhiên, những việc làm mất nhân tính của Taliban không thể khuất phục được ý chí của những người dân khát khao một cuộc sống tự do, hạnh phúc.
“Taliban phá, chúng ta xây” là tinh thần mà The Citizens Foundation (TCF), một tổ chức phi lợi nhuận của Pakistan, đưa ra. Syed Asaad Ayub Ahmad, Giám đốc điều hành của TCF, cam kết sẽ xây dựng 141 trường học vì hòa bình với tên trường được đặt theo tên của mỗi nạn nhân bị giết hại trong vụ tấn công ngày 16-12. “Chúng tôi làm việc này vì trẻ em Pakistan, vì quyền được học tập và một tương lai hòa bình của các em”, ông Ahmad nói.
Trong khi đa phần người dân Pakistan sôi sục căm phẫn, kêu gọi chính phủ nước này tăng cường đáp trả Taliban bằng bạo lực, TCF lại tìm kiếm giải pháp dài hạn cho tương lai của Pakistan. Được thành lập vào năm 1995, đến nay TCF đã xây dựng 1.000 trường học, chủ yếu là tiểu học và phổ thông cơ sở, tại những khu vực nghèo nhất của 100 thị trấn và thành phố ở Pakistan. 7.700 giáo viên hiện đang làm cho TCF và 145.000 trẻ em Pakistan đang được hưởng lợi từ những trường học của TCF.
Phó Chủ tịch TCF Zia Akhter Abbas cho biết giáo viên phải trải qua các lớp đào tạo bài bản, nghiêm ngặt trong khi học sinh không phải đóng bất cứ một khoản tiền nào khi theo học. Ở một đất nước có hơn 25 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học (tỷ lệ bé gái chiếm 55%) không được cắp sách đến trường, việc làm của TCF được đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, không chỉ đem lại quyền được học tập cho trẻ em, TCF còn hướng tới một mục tiêu cao hơn: thay đổi xã hội nhờ giáo dục. Ông Abbas cho hay TCF tin tưởng khi được học hành, con người sẽ tiến bộ, thay đổi những suy nghĩ hạn chế của chủ nghĩa cực đoan. A.H. Nayyar, nhà giáo dục và hoạt động xã hội nổi tiếng của Pakistan, cho rằng việc quan trọng nhất đối với Pakistan là bắt đầu với việc giáo dục con người. Tại quốc gia Nam Á, hiện có hàng ngàn trường học tôn giáo (madrassas) mọc lên để lấp đầy “khoảng trống giáo dục” đang để lại.
Theo một số nguồn tin, khoảng 2-3 triệu trẻ em Pakistan đang theo học tại các madrassas. A.H. Nayyar lo ngại đây sẽ là nơi có thể diễn giải sai lệch về bản chất tôn giáo, dung dưỡng mầm mống cực đoan. Hầu hết ở các madrassas, lịch sử đều bị dạy sai, bóp méo; tập trung quá nhiều về Hồi giáo đến mức sách giáo khoa của tất cả các môn học đều giảng dạy về thánh chiến; chống lại các quốc gia, dân tộc khác không cùng cùng tín ngưỡng, ca ngợi vinh quang khi tham gia thánh chiến…
Không ít nhà giáo dục đồng tình với quan điểm của A.H. Nayyar, kêu gọi Chính phủ Pakistan phải quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho giáo dục. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi các chính trị gia nhập cuộc, mô hình của TCF sẽ là niềm hy vọng cho sự thay đổi ở Pakistan.
ĐỖ CAO