Tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy từ 1-1-2016

Sáng 30-9, tại Trụ sở Chính phủ, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2015 đã khai mạc. Theo chương trình, phiên họp sẽ diễn ra trong 2 ngày, 30-9 và 1-10.

(SGGPO). - Sáng 30-9, tại Trụ sở Chính phủ, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2015 đã khai mạc. Theo chương trình, phiên họp sẽ diễn ra trong 2 ngày, 30-9 và 1-10.

Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ nghe và thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Chính phủ cũng thảo luận Báo cáo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; Báo cáo kết quả 3 năm (2013-2015) triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Báo cáo về việc ban hành giá dịch vụ y tế có tính tiền lương, phụ cấp; Báo cáo về thực trạng và giải pháp nâng cao năng suất lao động của Việt Nam; Báo cáo về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2015...

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2015 diễn ra trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều biến động mạnh. Thị trường hàng hóa quốc tế, đặc biệt là dầu thô giảm giá liên tục và giảm ở mức sâu trong những tháng qua, chủ yếu do nguồn cung tăng, tác động tích cực tới tăng trưởng của các nước nhập khẩu dầu nhưng đối với các nước xuất khẩu dầu, tăng trưởng bị ảnh hưởng do doanh thu xuất khẩu giảm... Trước diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì mức tăng trưởng hợp lý.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2015 ước tính tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó quý I tăng 6,12%; quý II tăng 6,47%; quý III tăng 6,81%. Trong mức tăng 6,5% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,08%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,57%, đóng góp 3,12 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,17%, đóng góp 2,38 điểm phần trăm. Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành lâm nghiệp đạt mức tăng cao nhất với 7,89% so với cùng kỳ năm 2014 do sản lượng gỗ khai thác tăng cao ở mức 11,8%; ngành thủy sản tăng 2,11%.

Riêng ngành nông nghiệp chỉ tăng 1,77%, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết không thuận, giá cả một số vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp không ổn định và có xu hướng tăng nên sản lượng lúa đạt thấp (ước tính sản lượng lúa cả năm 2015 đạt 45,1 triệu tấn, chỉ tăng 0,3% so với năm 2014). 

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 9,69% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ của một số năm gần đây trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao với 10,15%, góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung; ngành khai khoáng tăng 8,15%. Ngành xây dựng 9 tháng tăng 9% - mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây.

Cũng trong khiên khai mạc, đáng chú ý, khi thảo luận báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện với môtô, các thành viên Chính phủ đã nhất trí đề xuất tạm dừng thu trên cả nước từ ngày 1-1-2016. Từ nay đến cuối năm, địa phương nào chưa thu vẫn phải thu theo đúng quy định.

Theo báo cáo, trong 3 năm thu phí, số tiền thu được không nhiều. Năm 2013-2014, mỗi năm thu được trên 550 tỷ đồng, nửa đầu năm 2015 thu được gần 175 tỷ đồng. Chế tài xử phạt người không nộp phí chưa khả thi. Dù việc thu phí này phù hợp với Luật Giao thông đường bộ và Pháp lệnh phí, lệ phí, nhưng Bộ Giao thông Vận tải vẫn trình Chính phủ tạm dừng thu.

Trước đó, do việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy không hiệu quả, Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương kiến nghị Chính phủ dừng hoạt động này.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục