Tâm hồn chúng tôi đã về quê hương lâu rồi

Tâm hồn chúng tôi đã về quê hương lâu rồi

GSTS Trần Văn Khê và GSTS Nguyễn Thuyết Phong là hai nghệ sĩ trí thức người Việt ở nước ngoài tiêu biểu có nhiều công trình đóng góp, bảo tồn, phát huy, quảng bá nền âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới cũng như đối chiếu, so sánh âm nhạc Việt Nam cùng nền âm nhạc truyền thống các quốc gia. Hai ông còn là những nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên được vinh dự ghi tiểu sử và các công trình nghiên cứu âm nhạc vào “Đại tự điển danh nhân âm nhạc thế giới” (The New Grove).

  • GSTS Trần Văn Khê từng đóng phim

Cách đây 8 năm, trở lại quê nhà “ăn cái Tết đầu tiên tại Việt Nam sau bao nhiêu năm đón xuân tại xứ người”, GSTS Trần Văn Khê đã vui vẻ kể lại những mẩu chuyện lúc ông bắt đầu sang Pháp học, với mong muốn làm luận án tiến sĩ âm nhạc, vào những năm 50 của thế kỷ trước. Lúc ở Paris, chàng sinh viên Việt Nam ấy nghèo lắm, phải làm đủ nghề như dịch tiếng Việt sang tiếng Pháp, biểu diễn đàn tranh ở quán cơm bình dân và cả… đóng phim.

Tâm hồn chúng tôi đã về quê hương lâu rồi ảnh 1

GSTS Trần Văn Khê và GSTS Nguyễn Thuyết Phong, hai thế hệ một con đường âm nhạc truyền thống dân tộc.

Ông kể về bộ phim truyện đóng đầu tiên, tên “Ba chiếc thuyền trên một dòng sông”. Đây là thể loại phim tình báo của Pháp, Trần Văn Khê đã vào vai phụ là một viên cảnh sát bắt gián điệp. Bộ phim thứ hai ông được tham gia đóng, tên “Có một thành phố như thành Alice”.

Phim phỏng theo một quyển tiểu thuyết của nhà văn Australia, kể lại những ngày tháng quân đội Nhật chiếm đóng Australia. Khi đoàn phim tuyển diễn viên vào vai một viên sĩ quan Nhật, thật thú vị, họ lại chọn Trần Văn Khê.

Ông không thể tưởng tượng mình là một sinh viên Việt Nam mà có thể vượt qua 27 đối thủ là người Nhật chính gốc. Nghĩ lại, ông cho rằng có lẽ cái duyên làm “diễn viên điện ảnh nghiệp dư” lúc ấy là nhờ sự quan sát vai diễn, học tập các câu thoại tiếng Nhật nhanh, chính xác, diễn tả ngữ âm, ngữ điệu của viên sĩ quan Nhật trong kịch bản còn hơn chính người Nhật thứ thiệt!

Rất may, tiền “cát xê” diễn viên được trả khá cao, chỉ một ngày tham gia đóng phim, thế mà sau khi trang trải các khoản rồi, số tiền còn lại của nhạc sĩ vẫn có thể bảo đảm cho 600 suất cơm sinh viên. Sau này, khi đời sống tương đối ổn định, nhạc sĩ Trần Văn Khê đã chuyên tâm nghiên cứu lĩnh vực âm nhạc và bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1958.

  • GSTS Nguyễn Thuyết Phong: Khởi nghiệp từ 200 đô la…

Trò chuyện cùng giới trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2005, GSTS Nguyễn Thuyết Phong hết sức dí dỏm kể lại cuộc hành trình du học của ông từ Nhật sang Pháp năm 1973 khi trong túi chỉ vỏn vẹn 200 đôla. Là con em trong gia đình có truyền thống nhạc tài tử, nhạc lễ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nguyễn Thuyết Phong đi du học với mong muốn nghiên cứu sâu rộng hơn bộ môn Dân tộc nhạc học của thế giới.

Ông tâm sự chính ý nghĩa của mục đích, của hoài bão và tình yêu quê hương đã luôn thôi thúc ông không ngừng vượt qua tất cả những gian khổ để học tập, bảo vệ luận án hạng tối danh dự ở Đại học Sorbonne (Pháp) năm 1982. Suốt nhiều năm liền miệt mài, nghiên cứu, giảng dạy, biểu diễn, quảng bá âm nhạc truyền thống độc đáo Việt Nam và xây dựng bộ môn Dân tộc nhạc học thế giới, tài năng và uy tín của GSTS Nguyễn Thuyết Phong đã được khẳng định. Năm 1997, ông được Chính phủ Hoa Kỳ tôn vinh là “Di sản quốc gia Hoa Kỳ”.

Năm 2005, UNESCO đã mời ông tham gia là thành viên thẩm định Cồng chiêng Tây Nguyên từ sự am hiểu sâu sắc của ông về nghệ thuật âm nhạc dân tộc truyền thống độc đáo này… “Nhưng để có được sự thành công lớn trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật âm nhạc, tôi đã xoay xở, làm khá nhiều nghề từ công việc giản đơn nhất như cuốn 200 chiếc chả giò mỗi ngày cho nhà hàng, lái xe giao hàng, chạy máy in v.v…”, GSTS Nguyễn Thuyết Phong đã trao đổi với lớp trẻ về con đường học vấn, nghiên cứu âm nhạc không phải lúc nào cũng “bằng phẳng” của mình. Ông mong mỏi lớp trẻ ngày nay nên xác định mục đích, lý tưởng tốt đẹp của cuộc sống và phải luôn nuôi dưỡng tình yêu quê hương, dân tộc trong lòng mình.

Du học, khởi nghiệp và thành đạt. Với tâm nguyện chỉ muốn cống hiến, đóng góp trí tuệ, tài năng cho đất nước; dù có đi khắp bốn phương trời vì công việc quảng bá âm nhạc nhưng cả hai nhạc sĩ Việt Nam cũng đều cho rằng “tâm hồn chúng tôi đã về quê hương tự lâu rồi”… 

KIM ỬNG 

Tin cùng chuyên mục