Nghĩa trang liệt sĩ Hà Tiên tọa lạc trên núi, đối diện “mốc cao độ quốc gia”, trên đường vô khu du lịch Núi Đèn, “Lộc Trĩ Thôn Cư” của Tao đàn Chiêu Anh, một trong 10 danh thắng nổi tiếng đất Hà Tiên từ 276 năm trước. Bên vách núi quanh co, bên biển Tây gió reo lồng lộng.
Ông Lâm Tái Thành (Năm Thành) từng là chiến sĩ quân báo, Bí thư xã Bình An, sau giải phóng là Phó chủ tịch UBND thị xã Hà Tiên kể: Những năm 1980 ông cùng cha vợ (Văn Công Chánh, bây giờ là Bí thư Thị xã Hà Tiên) đi tìm thế đất xây nghĩa trang. “Mình còn sống, phải chọn nơi tốt nhất cho anh em đã đổ máu xương cho Tổ quốc, ông già vợ nói vậy”, ông Thành cho biết. Có đất rồi lại lên TPHCM tìm được Kiến trúc sư Võ Tòng, đưa ra nhiều phương án và lãnh đạo Hà Tiên đã chọn thiết kế như hiện nay. Nghĩa trang thật lạ, rất độc đáo, không nặng cạnh khối, rườm rà chi tiết mà mềm mại, thanh thoát: Một tấm khăn choàng của người Mẹ phủ xuống bao bọc, che chở đàn con.
Nghĩa trang liệt sĩ được chia thành nhiều khu. Khu D nằm phía ngoài, dành cho các liệt sĩ chiến tranh biên giới Tây Nam. Những ngôi mộ không tên được tập trung thành khu riêng, dưới dòng chữ “Chiến công gắn liền tên anh”. Dù thân nhân bốc mộ đưa về quê khá nhiều, nghĩa trang cũng còn hơn 3.000 ngôi mộ, ở khắp 3 miền, qua các cuộc chiến tranh. “Khoảng một phần ba số mộ là con em Hà Tiên. Nhiều khi nhớ anh em quá tôi lại lang thang bên những hàng mộ”, ông Năm Thành tâm sự.
Những đóa hoa cúc trắng được cắm đều trên từng ngôi mộ, từng hàng, từng lớp. Ngày nào cũng vậy.
Đứng giữa nghĩa trang lồng lộng gió biển, ngay nơi phên dậu Tổ quốc, lại nôn nao vọng về khát vọng của cả dân tộc: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Ở đất nước này, nơi đâu cũng vậy…
Vũ Thống Nhất