Tấm kỷ niệm chương

Phòng họp bỗng im phăng phắc. Tất cả mọi người đều chăm chú lắng nghe ông phát biểu: Suốt năm 2009, Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh quận 10 có 15 hội viên qua đời. Vậy mà 3 tháng đầu năm nay, chúng ta đã mất hết 8 đồng chí. Nói đến đây, giọng ông Đỗ Gia Như nghẹn lại, nước mắt trào ra, ông phải lấy khăn tay thấm nước mắt...

Đây là lần thứ hai, chúng tôi thấy ông khóc.

Cách đây vài tháng, bỗng một buổi trưa, ông gọi điện cho chúng tôi: Bà Xuyến vừa nhắm mắt. Thôi nhé, từ nay chấm dứt chuỗi ngày chờ mong ngóng đợi kỷ niệm chương tù đày. Rồi ông khóc y như hôm nay.

Chúng tôi thường nói với nhau: Chúng ta là một tổ chức mà quân số chỉ có mất đi chứ không tăng lên. Người trẻ nhất năm nay cũng 60 tuổi rồi. Đa phần đều gần đất xa trời…

Còn nhớ hôm ấy, Phòng LĐTB-XH quận tổ chức lễ trao kỷ niệm chương cho 7 đồng chí cựu tù. Hôm ấy, 7 đồng chí ấy đến không đủ vì lý do sức khỏe. Tan buổi lễ ông Như đã nhanh nhẹn đem ngay phần thưởng đến trao tận tay đồng đội mình. Đó là một bà cụ đang ốm nặng, bà đón nhận kỷ niệm chương rất trân trọng và ôm vào lòng như ôm một báu vật. Cũng trong buổi chiều hôm ấy, bà nhẹ nhàng ra đi.

Có lẽ nào chỉ có ông rơi nước mắt? Thời gian trôi qua, sức khỏe của những người cựu tù chính trị cứ cạn dần, cạn dần. Việc tháo gỡ thủ tục để cấp kỷ niệm chương còn bao khó khăn. Nhưng, có khó khăn nào bằng những khó khăn mà người cựu tù năm xưa bị rơi vào tay giặc phải đối phó với quân thù, khi mà mạng sống của họ như ngàn cân treo sợi tóc, với đòn roi tóe máu...

Nay tuổi già cứ ập đến, việc tháo gỡ thủ tục lại như rùa bò. Có bao nhiêu giọt nước mắt không trào ra như ông Như mà lại lặn sâu vào trong tim.

LƯU DUY THANH

Tin cùng chuyên mục