Tấm lòng của cả dân tộc đối với một vị anh hùng dân tộc

(SGGPO). - Trong ngày nhân dân cả nước tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng trong lòng đất mẹ, mỗi một người đều mang trong lòng những tình cảm đặc biệt dành cho vị danh tướng của nhân dân. SGGP online đã ghi nhận một trong số những cảm xúc đó.

* GS Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội): Một vị tướng nhân ái

Chiến dịch Điện Biên Phủ làm lên tên tuổi Đại tướng. Là một nhà nghiên cứu sử, trước khi gặp trực tiếp Đại tướng và được nghe Đại tướng kể chi tiết về trận đánh, tôi cũng chỉ nghiên cứu sự kiện này theo cách thông thường. Nhưng sau khi nghe Đại tướng kể, có một chi tiết đã làm thay đổi nhận thức của tôi, đó là điều mà chúng ta hay nói là “đổi từ chủ trương đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc thắng chắc”. Trước đó tôi chỉ hiểu đó là một quyết định sáng suốt của một thiên tài quân sự đạt tới tầm nghệ thuật quân sự, có lẽ tất cả sách vở cũng nói theo khía cạnh đó. Bản thân tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng khi Đại tướng kể cho tôi, thì tôi mới biết Đại tướng hóa ra có nhiều đêm thức trắng, không chỉ vì 2 chữ “chắc thắng” mà ông xót máu xương của lính. Đại tướng đã hỏi đi hỏi lại chuyên gia Trung Quốc và cả những người tham gia công tác chuẩn bị cho chiến dịch là sẽ phải hy sinh bao nhiêu người nếu đánh nhanh thắng nhanh. Sau đó Đại tướng quyết định không thể đánh như thế được. Bởi vì chúng ta không phải chiến thắng trên sự hy sinh của bộ đội mà không được thương tiếc. Vì thế, quyết định của Đại tướng theo tôi có chiều sâu của lòng nhân ái, của trí tuệ lại là ở chỗ có tính đến sự hy sinh, đổ máu của bộ đội. Đó là điều cho tôi cảm xúc rất đặc biệt. Vì thông thường, sau mỗi quyết định của một vị tướng thành danh, đằng sau đó là biết bao sinh mạng của bộ đội. Còn với Đại tướng, nó chứa đựng  tư tưởng nhân ái rất lớn của ông. Trong trường hợp này, tôi nghĩ nhiều đến Đại tướng là một vị tướng nhân ái, bên cạnh một vị tướng trí tuệ.

Trở lại với sự ra đi của Đại tướng. Trong thời gian qua, trước khi Đại tướng qua đời, chúng ta đang ở trong một tình thế rất khó khăn, cả ở trên thế giới và trong nước. Đã có nhiều lời ta thán cho rằng không biết tương lai sẽ như thế nào? Đã có một biểu hiện hơi buồn chán. Khi Đại tướng ra đi, đó là một đau thương nhưng lại đã diễn ra một cái gì đó rất mới mà tôi cảm nhận được. Đó là sự đoàn kết, là sức mạnh của một dân tộc dường như lại hiện lên một cách rất rõ nét thông qua việc người dân biểu thị tấm lòng của mình đối với Đại tướng. Những dòng người tiễn đưa Đại tướng là biểu hiện của lòng đoàn kết, của ý chí nhân dân.

Mọi sự đánh giá đều không thể bằng sự đánh giá của nhân dân. Tất cả những gì diễn ra ở những giây phút cuối cùng của Đại tướng trong những ngày qua đã nói sự công bằng của lịch sử và tấm lòng của cả dân tộc đối với một vị anh hùng dân tộc. Kính thưa Đại tướng, chắc chắn Đại tướng sẽ hóa thần hiển thánh để phù hộ cho đất nước, cho dân tộc, và Đại tướng sẽ trường tồn cùng đất nước, cùng dân tộc.

* Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam: Lo cho dân đến lúc cuối đời

Hồi tôi còn làm Bí thư Trung ương Đoàn, khi làm chuyên đề về giáo dục thanh niên (5 bài học cơ bản cho đoàn viên thanh niên), chúng tôi đã mời Đại tướng đế chỉ giáo. Vốn rất quan tâm đến thế hệ trẻ nên Đại tướng đã nhận lời ngay. Hơn 2 giờ đồng hồ, Đại tướng chủ yếu nói chuyện tình cảm, căn dặn là chính. Đại tướng dặn giáo dục lý tưởng cho thanh niên phải thông qua sự kiện lịch sử của dân tộc, những giai đoạn mà quân đội, nhân dân  đóng góp hy sinh cho công cuộc chung để thế hệ trẻ thấy được trách nhiệm phải phát huy, nối tiếp. Đại tướng không muốn cách giáo dục áp đặt, mà phải là sự khơi gợi. Tôi cũng nhớ sau buổi nói chuyện đó, Đại tướng vỗ vai tôi nhắc nhỏ, “nhắc thanh niên đừng tây quá, phải giữ cốt cách, văn hóa của dân tộc mình. Vì chiến thắng của dân tộc mình là chiến thắng của nền văn hóa dân tộc đấy”. Đó là lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà vô cùng thấm thía đối với tôi.

Tết Kỷ Sửu 2009, tôi và đoàn công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lên trao một số căn nhà đại đoàn kết cho bà con ở vùng dân tộc Hà Giang. Bà con rất xúc động. Nhiều người hỏi han chúng tôi về Đại tướng. Cảm kích tấm lòng của bà con, từ Hà Giang tôi liên hệ với Văn phòng Đại tướng xin phép đến thăm, chúc Tết và chuyển lời thăm của bà con đến Đại tướng, Đại tướng đồng ý ngay. Vì vậy dù đã chiều muộn 29 tết, chúng tôi đi thẳng từ Hà Giang về nhà riêng của Đại tướng ở Hà Nội. Thấy chúng tôi vào, Đại tướng vào trong nhà mặc quân phục chỉnh tề rồi mới ra tiếp.

Biết chúng tôi trở về từ Hà Giang, Đại tướng hỏi ngay “thế nào, bà con chuẩn bị tết thế nào”. Tôi báo cáo: Thưa Đại tướng, bà con chuẩn bị tết tươm tất ạ, có thịt, gạo nếp, gói bánh.. Đại tướng nghe vậy rất vui, nói: “năm sau phải tốt hơn năm trước. Phải làm sao đừng để khoảng cách quá lớn giữa thành thị, nông thôn và miền núi”. Sau cái tết đó thì mấy tháng sau Đại tướng vào nằm viện 108 và ở đó đến lúc ra đi. Đại tướng là thế, luôn lo cho dân đến lúc cuối.

GS-Anh hùng Lao động Vũ Khiêu:

Tôi là bạn thân của Đại tướng, chúng tôi nhiều lần gặp nhau tại Viện Sử học và các cuộc họp. Năm nào tôi cũng đến nhà thăm Đại tướng-tri kỷ của tôi.

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của Đại tướng, tôi đã trao bức trướng tặng Đại tướng tại nhà ông. Hai hàng chữ Hán thêu chỉ vàng buông dọc trên nền gấm đỏ, ý nghĩa của nó là võ công của Đại tướng trường tồn cùng lịch sử đời này qua đời khác; đạo đức của Đại tướng trùm lên lòng người.

Đó là câu đối 10 chữ:

Võ công truyền quốc sử
Văn đức quán nhân tâm

Khi Đại tướng tròn 100 tuổi cũng là dịp nhân dân cả nước kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, tôi đã tặng Đại tướng câu đối:

Thăng Long thiên tuế thịnh.
Đại tướng bách niên xuân

Giờ đây, viếng Đại tướng tôi đã viếng câu đối:

Gương rọi đất trời, rực sáng ngàn thu nhân lại trí
Lệ tràn sông núi, khóc thương hai bác Võ như Hồ


 Phan Thảo ghi

Tin cùng chuyên mục