Tầm nhìn và sự kiên nhẫn

 
Hai trong số 3 cầu thủ từng đoạt giải Quả bóng vàng Việt Nam ở độ tuổi U.23 là Lê Công Vinh và Phạm Thành Lương đều có một sự nghiệp dài và thành công. Lê Công Vinh giành danh hiệu đầu tiên khi mới 19 tuổi, thêm 2 lần đăng quang trước khi chia tay sự nghiệp ở tuổi 31. Trong khi đó, ở tuổi 21, Phạm Thành Lương đã đoạt giải Quả bóng vàng Việt Nam và sau đó trở thành người đầu tiên 4 lần chiến thắng tại giải thưởng danh giá này - hiện anh vẫn còn thi đấu đỉnh cao ở tuổi 29. Người còn lại trong danh sách này là Phạm Văn Quyến, thời điểm đoạt giải ở tuổi 19, Quyến đã là ngôi sao của đội tuyển quốc gia. Tiếc là sự nghiệp đỉnh cao của “cậu bé vàng” này không kéo dài do sự cố tiêu cực tại SEA Games 2005.

Những gương mặt từng đoạt Quả bóng vàng nói trên đã chứng minh một điều: bóng đá Việt Nam luôn có tiềm năng và nhân tài luôn xuất hiện ở mọi thời điểm. Vấn đề còn lại nằm ở chỗ chúng ta, mà cụ thể là các nhà quản lý, có khai thác được tối đa tiềm năng ấy hay không.

Vào ngày 20-11 tới đây, Tập đoàn Vingroup sẽ khánh thành Trung tâm đào tạo trẻ được đánh giá là đứng đầu Đông Nam Á. Đây không phải là dự án mới, mà chính là “lò” đào tạo bóng đá trẻ nổi tiếng PVF vốn đang thống trị các giải đấu trẻ hiện nay của Việt Nam. Sau 8 năm đầu tư khá thầm lặng, PVF chính thức được nâng tầm, vượt qua cái bóng của Học viện HA.GL - Arsenal JMG cũng như trung tâm đào tạo trẻ của Tập đoàn Viettel.
Sự kiện này cho thấy xã hội hoàn toàn không đứng ngoài cuộc trong quá trình phát triển bóng đá Việt Nam. Thậm chí, thật may mắn khi các doanh nghiệp hàng đầu quốc gia đang đầu tư trực tiếp cho bóng đá trẻ, điều mà không nhiều nền bóng đá trên thế giới có được. Nói như vậy là bởi trách nhiệm đào tạo vốn dĩ thuộc về Liên đoàn Bóng đá quốc gia, của các CLB chuyên nghiệp, những đơn vị có quyền lợi liên quan mật thiết hơn. 

Các trung tâm đào tạo trẻ như Học viện HA.GL - Arsenal JMG, PVF… đều ra đời trong giai đoạn 2007-2009, thời điểm bùng nổ nhất của V-League mà đỉnh cao chính là nguồn cảm hứng đến từ chức vô địch AFF Cup 2008. Có lẽ, các đơn vị đó đều dự tính rằng, sau 5-7 năm đào tạo, những thế hệ cầu thủ đầu tiên của họ sẽ được “săn đón” bởi các CLB chuyên nghiệp, được thi đấu ở môi trường nhà nghề của V-League… như lộ trình đã vạch ra trước đó. Thực tế thì ngược lại, chính những lứa cầu thủ đầu tiên của HA.GL hay PVF đang là cứu cánh cho bóng đá Việt Nam thông qua các lứa U.19, U.20 Việt Nam gần đây.

Với các nhà đầu tư, đặc biệt là dài hạn, thì đây chính là rủi ro quá lớn nằm ngoài sự kiểm soát của họ. Hãy thử nghĩ xem, nếu không phải là Hoàng Anh Gia Lai, là Vingroup, là Viettel thì liệu có đủ tiềm lực tài chính cũng như sự kiên nhẫn để tiếp tục đầu tư hay không, trong bối cảnh mà “đầu ra” cho các sản phẩm chất lượng hết sức mông lung. Sự rủi ro đó có thể khiến nhiều doanh nghiệp khác “chùn tay” dù có yêu thích bóng đá đến đâu.

Từ những dự án “trồng người” chất lượng cao của PVF, HA.GL, Viettel… mới thấy cái thiếu lớn nhất của bóng đá Việt Nam đó là tầm nhìn, là sự ổn định vĩ mô. Nếu như ở giai đoạn đỉnh cao của V-League, các nhà quản lý siết chặt quy chế chuyên nghiệp, khống chế số lượng các CLB V-League, nâng cao văn hóa thi đấu và chất lượng chuyên môn theo hướng “ít mà tinh” thì đến nay, bóng đá Việt Nam đã phát triển đồng đều cả đỉnh cao lẫn hoạt động đào tạo. Sau một thời gian chạy theo số lượng, giờ đây V-League  có đến 14 đội bóng nhưng lại hoạt động cầm chừng, chất lượng thi đấu kém hơn trước, môi trường phát triển cầu thủ trẻ bị thu hẹp khiến cho “đầu ra” của các trung tâm đào tạo trở nên khó khăn. Hậu quả là ngày càng ít doanh nghiệp đầu tư cho bóng đá.

Tầm nhìn và sự kiên nhẫn, đó chính là những mục tiêu ưu tiên của giới quản lý bóng đá Việt Nam hiện nay. Sau lưng họ là những nguồn lực xã hội sẵn sàng chung tay… 

Tin cùng chuyên mục