Còn nhớ cách đây tròn hai năm, vụ hai vợ chồng chủ nhà hành hạ nhẫn tâm bé Hào Anh ở Cà Mau đã khiến dư luận cả nước phẫn uất. Bắt đầu từ phát hiện của một người dân, báo chí điều tra, đăng tải và cơ quan công an vào cuộc. Từ đó, bé Hào Anh được giải cứu và bộ mặt thật của hai vợ chồng này ngày càng lộ rõ. Lòng nhân ái chiến thắng sự dã man. Người dân khắp nơi chia sẻ bằng tinh thần và vật chất với bé Hào Anh và lên án hành động mất nhân tính của vợ chồng chủ nhà. Đó cũng là những lần đổ mồ hôi, rơi nước mắt của các nhà báo khi điều tra để cung cấp cho bạn đọc những thông tin chính xác nhất từ cái nhìn nhân ái.
Sau trường hợp bé Hào Anh cho đến nay, báo chí cũng đã phát hiện và phản ánh nhiều trường hợp thương tâm khác, và sau mỗi lần như vậy, những mảnh đời nhỏ nhoi tưởng chừng như sắp lạc mất giữa cuộc đời đã được cưu mang.
Đó cũng là đặc tính của nghề báo, từ vấn đề đại sự đến những câu chuyện nhỏ nhất cũng đều được phản ánh bởi cùng tính chất lao động nghề nghiệp như nhau. Khi lương tâm và trách nhiệm luôn được đặt lên hàng đầu sẽ hướng con người đến sự dấn thân. Tuy nhiên, sự dấn thân của nhà báo để có được thông tin hay nhất, mới nhất cho bạn đọc mới chỉ là một mặt của quá trình tác nghiệp. Sự dấn thân ấy rất dễ gặp phản ứng của các thế lực xấu. Nhiều nhà báo đã bị kẻ xấu hành hung, đe dọa tính mạng bởi cái xấu, cái ác vẫn đang ẩn nấp dưới muôn hình vạn trạng trong xã hội. Chính điều này đòi hỏi nhà báo cần dũng cảm. Người cầm bút phải không ngại va chạm, dám nói lên tiếng nói chính nghĩa của nhân dân, góp phần phản biện xã hội. Tuy nhiên, đấu tranh với cái xấu cái ác nếu gặp bất trắc sẽ được sự chở che của nhân dân, dù đôi khi không kịp thời, nhưng thách thức lớn hơn với nhà báo ở chỗ làm sao vượt qua được những cám dỗ nghề nghiệp mà thực tế còn khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều.
Ai bảo vệ nhà báo trước những hiểm nguy, bất trắc xảy ra trong quá trình tác nghiệp? Đây là một chủ đề lớn mà Hội Nhà báo Việt Nam đặt ra trong buổi tọa đàm mới đây. Khá nhiều trường hợp khi tác nghiệp, tính mạng nhà báo bị hiểm nguy, tinh thần bị uy hiếp nhưng để được bảo vệ với tư cách một ngành nghề đặc thù thì vẫn chưa có. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh thông tin ngày càng khốc liệt hơn hiện nay, mối nguy lại xuất phát từ chính bản thân nghề báo. Không ít tờ báo chọn cách chiều theo thị hiếu lệch lạc mà tạm thời bỏ qua tôn chỉ mục đích của mình. Báo chí cách mạng Việt Nam phải góp phần cùng nhân dân đấu tranh xây dựng xã hội ngày càng phát triển theo mục tiêu mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn. Bỏ qua hoặc quên đi mục tiêu ấy vì lợi ích trước mắt cũng chính là tự lao vào nguy hiểm. Thông tin của một tờ báo với từng bài viết sẽ cho bạn đọc thấy được nhân cách của người làm báo nơi đó. Và, sự quay lưng của bạn đọc chính là thước đo chính xác nhất về cái tâm của người làm báo.
Trong xã hội, làm nghề nào cũng cần có cái tâm, làm báo thì lại càng đòi hỏi cái tâm nhiều hơn. Công cụ của nhà báo là ngòi bút. Nếu tâm không sáng, bút không thẳng thì sẽ bị bạn đọc và nhân dân xa lánh. Điều nghe có vẻ bình thường ấy nhưng vẫn luôn đặt ra một cách thường xuyên, nóng bỏng với đội ngũ những người làm báo. Trong giai đoạn cạnh tranh thông tin hiện nay, không ít người cũng bị cuốn theo tốc độ chóng mặt của việc khai thác thông tin mặt trái, giật gân, nói ngược để hầu cuốn hút một nhu cầu không nhỏ người đọc. Xu hướng này sẽ dễ dàng dẫn đến việc hình thành một cái nhìn lệch lạc xã hội bởi những thông tin phiến diện, trần trụi. Với những người làm báo, khi tâm không sáng, tự họ đã tạo ra hiểm nguy cho chính mình và cho xã hội.
Hoàng Mai