Tâm thế mới của ngư dân

Chúng tôi trở lại những làng chài ven biển miền Trung để nghe các ngư dân chia sẻ những được mất sau 1 năm làm ăn nơi đầu sóng ngọn gió. Dẫu gặp vô vàn khó khăn, có những lúc tính mạng bị đe dọa nhưng với họ, những “cơn sóng” lớn khi đã vượt qua thì mọi “con sóng” khác sẽ cảm thấy hiền hòa. Niềm tin ấy tạo nên dự cảm tốt lành cho năm mới, một tâm thế mới của từng làng biển.
Tâm thế mới của ngư dân

Chúng tôi trở lại những làng chài ven biển miền Trung để nghe các ngư dân chia sẻ những được mất sau 1 năm làm ăn nơi đầu sóng ngọn gió. Dẫu gặp vô vàn khó khăn, có những lúc tính mạng bị đe dọa nhưng với họ, những “cơn sóng” lớn khi đã vượt qua thì mọi “con sóng” khác sẽ cảm thấy hiền hòa. Niềm tin ấy tạo nên dự cảm tốt lành cho năm mới, một tâm thế mới của từng làng biển.

Lắng đọng năm cũ

Gặp lại ngư dân Nguyễn Văn Quang (54 tuổi) bên cầu cảng Sa Kỳ ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) vào buổi chiều cuối năm mưa phùn giăng kín. Cái lạnh tê tái khiến khuôn mặt người ngư dân có hơn 30 năm gắn bó với ngư trường truyền thống Hoàng Sa-Trường Sa lại càng sạm đen và nhăn nheo. Những câu chuyện vui buồn thỉnh thoảng lắng đọng lại vì một năm đánh bắt không suôn sẻ được ông Quang cùng các bạn tàu kể cho nhau nghe, rồi cùng nhau hướng ánh mắt nhìn xa ngái ra mặt biển mù sương từng lớp sóng xô nhau.

Những chiếc tàu đang được đóng mới để ra khơi trong năm 2015.

Tháng 5-2014, thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, tàu của ông Quang cùng 14 người đang đánh bắt cách đảo Phú Lâm thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc truy đuổi, đánh bị thương 2 ngư dân. Ông Quang nói: “Hàng trăm tàu quân sự, dân sự của Trung Quốc giăng kín mặt biển, thấy tàu cá là dí chạy tứ tung nên lỗ tổn nhiều”. Cùng gặp hoàn cảnh như ông Quang, ngư dân Bùi Tấn Công, thôn Châu Thuận Biển, than thở: “Trong năm đi được có 3 chuyến ra Hoàng Sa. Khi  gặp tàu Trung Quốc rượt đuổi phải chạy vào đất liền, chấp nhận lỗ tổn thôi chứ không là nguy hiểm tính mạng”.

Tạm gác những mất mát và nỗi đau trong năm về vụ tàu cá ĐNa 95012 bị tàu Trung Quốc đâm chìm tại Hoàng Sa, bà Huỳnh Thị Như Hoa (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) mấy tháng qua đang ngược xuôi đôn đốc công nhân tại xưởng đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) nhanh chóng hoàn thành chiếc tàu đóng mới. Không còn những giọt nước mắt và khuôn mặt thất thần, lo lắng của ngày chúng tôi gặp bà tại Lý Sơn, khi chiếc tàu bị nạn nửa nổi nửa chìm được kéo về đất liền. Thay vào đó là nét mặt rắn rỏi, cương nghị của người phụ nữ vùng biển. “Ngư dân chỉ mong không bị quấy phá để bình yên mưu sinh trong năm mới” - bà nói và ánh mắt lại ánh lên nét nghị lực của một “nữ thuyền trưởng”.

Còn rất nhiều thuyền trưởng - ngư dân thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép cũng có những tâm tư như ông Quang, bà Hoa nhưng  tâm trạng của họ cũng vậy. Gác lại những điều không may trong năm cũ, để bước vào năm mới khí thế làm ăn hào hứng hơn.

Quyết tâm của năm mới

Sau chuyến bị nạn trở về, ông Quang bảo ngổn ngang những món nợ với chủ nậu, lo nhất là đánh bắt không hiệu quả sẽ bị thu hồi tàu, nhưng rồi nhờ sự đùm bọc của người dân cả nước, nhiều cá nhân, tập thể gom góp hỗ trợ được hơn 200 triệu đồng nên đã sửa chữa tàu, khắc phục hư hỏng, thiệt hại, trang trải thuốc men, y tế cho các ngư dân bị thương. “Ngư trường truyền thống của anh em lâu nay vẫn là Hoàng Sa. Đảo, vị trí, tọa độ nào là lãnh hải của nước ta, chúng tôi đều nắm rành rẽ. Khu vực nào có luồng cá lớn, cá nhỏ cũng “bắt” được quy luật luôn. Nhưng do những ngày cuối năm sóng lừng, vùng biển Hoàng Sa ít có chỗ trú tránh nên di chuyển vào vùng biển Trường Sa” - ông Quang nói rồi khuôn mặt hiện lên chút lo lắng: “Tàu đi cũng gần 30 ngày rồi, nghe các bạn tàu ngoài đó báo về sóng lớn liên tục nên đánh bắt được ít. Nhưng dù có gió săn hoặc ăn tết trên biển chăng nữa thì anh  em vẫn ra khơi. Phần vì biển động nên nhiều cá, phần nữa vùng biển truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa không thể thiếu những ngư dân Việt Nam” - ông Quang nói chắc nịch. Còn ngư dân Nguyễn Tấn Công mong muốn: “Các ngư dân đánh bắt xa bờ, thiên tai phức tạp, nhân tai khó lường, được đất liền hướng dẫn khi có bão, áp thấp;  sát cánh, hỗ trợ, khuyến khích và động viên khi có sự cố là chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để vững vàng tâm thế ra khơi mưu sinh, góp phần giữ biển đảo chủ quyền”.

Quay trở lại với bà Hoa. Tiết trời miền Trung những ngày mùa đông cuối năm giá buốt do những đợt không khí lạnh và mưa phùn liên tục tăng cường kéo dài. Vậy nhưng, trên đà của xưởng đóng tàu, chiếc tàu hơn 1.000 CV đang được những người thợ chăm chút, sắp sửa hoàn thành để hạ thủy. Bà Hoa nhắc lại: “Sau 2 tháng bị nạn, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, anh em bạn bè cũng như những cá nhân, tập thể hảo tâm, tháng 8-2014, gia đình đã khởi công đóng tàu mới kinh phí gần 8 tỷ đồng”. Dẫu đang gánh món nợ trị giá nửa chiếc tàu đóng mới, nhưng nét mặt bà Hoa rạng ngời, hy vọng: “Tàu lớn sẽ ra khơi bám biển được dài ngày. Nhất là dịp cuối năm, mùa các loại cá đi từng đàn di trú về nơi sinh sản nên hay trúng đậm. Các bạn tàu từng đi trên con tàu cũ bị nạn cũng đang sốt ruột chờ để lại được ra khơi đánh bắt”.

Một mùa vụ đánh bắt mới lại bắt đầu, ước mong về một năm mưa thuận gió hòa lại thường trực trong lòng ngư dân.

Theo ông Phan Huy Hoàng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi: năm 2014 tỉnh đã phân bổ gần 40 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân nhiên liệu đánh bắt vùng biển xa. Bên cạnh đó, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh này cũng hỗ trợ tàu bị nạn hàng chục tỷ đồng, tối đa 700 triệu đồng/tàu. Các nghiệp đoàn nghề cá cũng  sát cánh cùng ngư dân, đem lại sự yên tâm cho mỗi con tàu khi ra khơi.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục