Ngày 12-4, người đứng đầu Cục Quản lý ngoại hối quốc gia Trung Quốc (SAFE), ông Zhang Shenghui, cho biết nước này trong năm 2016 sẽ tăng cường triệt phá các “ngân hàng ngầm”, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và thị trường tài chính biến động gây ra tình trạng rút vốn ồ ạt.
“Ngân hàng ngầm” là các tổ chức tín dụng hoạt động bất hợp pháp, không trực thuộc hệ thống ngân hàng truyền thống nhưng giao dịch mọi hoạt động tài chính từ tài khoản bảo đảm ở các ngân hàng đến thị trường trái phiếu và cả dịch vụ cầm đồ. Sự hoạt động của hệ thống ngân hàng ngầm này bùng nổ mạnh mẽ ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Năm 2015, giá trị giao dịch của các ngân hàng ngầm tại Trung Quốc lên tới 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 640 tỷ USD). Cảnh sát, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và SAFE từng phanh phui một vụ liên quan tới các giao dịch trái phép với tổng giá trị 64 tỷ USD trong năm này. Sức cầu tăng đối với vốn trong khi việc quản lý vốn bị thắt chặt; tầng lớp trung lưu có cơ hội đầu tư ở các lĩnh vực mới; kinh tế Trung Quốc đang lao dốc... là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển các ngân hàng ngầm ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo giới quan sát, các ngân hàng ngầm ở Trung Quốc không chỉ liên quan đến tội phạm về tiền tệ, thị trường chứng khoán, mà còn là hành lang, con đường để bọn tội phạm chuyển tiền phạm pháp; trở thành công cụ để các đối tượng tham nhũng rửa tiền, bọn khủng bố chuyển tiền. Một lượng khá lớn ngoại tệ đã chảy ra bên ngoài thông qua các ngân hàng ngầm, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng và đánh mạnh vào việc quản lý ngoại hối, mà còn gây nhiễu loạn nghiêm trọng trật tự thị trường tiền vốn quốc gia, gây nguy hại đến an toàn tiền tệ của Trung Quốc.
Ông Zhang Shenghui nêu rõ, SAFE sẽ tiếp tục phối hợp với công an và các cơ quan ban ngành khác nhằm tập trung trấn áp các ngân hàng ngầm, nhằm răn đe những người sử dụng các dịch vụ của loại hình ngân hàng này. Bộ Công an Trung Quốc đặc biệt chú trọng phát hiện các hoạt động tội phạm chuyển tiền trái phép liên quan đến thị trường chứng khoán, tham nhũng, hoạt động khủng bố… kiên quyết chặn đứng xu thế lây lan của hoạt động ngân hàng ngầm, tín dụng đen.
Một trong những lý do khiến Bắc Kinh phải mạnh tay hơn với các ngân hàng ngầm là nguy cơ vỡ nợ trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Năm ngoái, một sự kiện rất đáng chú ý đã diễn ra ở tỉnh Hà Bắc. Do sợ vỡ nợ, 11 ngân hàng ngầm của Trung Quốc đã viết một bức thư ngỏ gửi đến các lãnh đạo tỉnh Hà Bắc. Theo đó, kêu gọi chính phủ cung cấp gói cứu trợ bảo lãnh tín dụng phá sản để có thể tiếp tục hỗ trợ vốn cho người vay. Nếu không, sẽ có những vụ vỡ nợ xảy ra. Hơn 1.000 nhà đầu tư và hơn 1.000 hộ gia đình liên quan đến các ngân hàng ngầm này. Trước sự kiện này, các nhà phân tích lo ngại rằng, những gói hỗ trợ trong những năm gần đây đã khiến cho nhà đầu tư trở nên vô trách nhiệm hơn bởi họ quan niệm rằng chính phủ sẽ không nỡ để cho vỡ nợ. Và thực sự nếu các ngân hàng ngầm này vỡ nợ, hiệu ứng domino gây ra vỡ nợ liên tiếp và chồng chéo nhau. Khi đó lợi ích công sẽ bị ảnh hưởng trên diện rộng.
MINH CHÂU