Chuẩn bị hứng đợt mưa lũ mới
Hồi 16 giờ ngày 23-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới đã ở vào khoảng 20,9 độ vĩ Bắc - 110,1 độ kinh Đông, trên khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới đạt cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8 với phạm vi ảnh hưởng khoảng 50km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. Dự báo, trước mắt áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, sau sẽ bất ngờ đổi hướng sang Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.
Chiều 24-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Như vậy, cơn bão số 3 đã được “tái sinh” sau khi đổ bộ vào Bắc Trung bộ, di chuyển lên Tây Bắc bộ, sau đó không suy yếu đi mà phát triển thành một áp thấp nhiệt đới, đổi chiều, di chuyển ngược trở ra vịnh Bắc bộ, sau đó hướng lên bán đảo Lôi Châu rồi vòng lại, đe dọa thời tiết tại khu biên giới Việt - Trung.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, thời tiết tại miền Bắc đã có nắng ráo, khô nóng liên tiếp trong 2 ngày 21 và 22-7 nhưng lại chuẩn bị đón một đợt mưa lũ mới rất lớn sau khi áp thấp nhiệt đới vòng lại khu vực biên giới Việt - Trung, gây mưa to tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… sau đó lan ra nhiều nơi khác ở Bắc bộ.
Theo đó, khi di chuyển tới khu vực Móng Cái - Quảng Ninh và biên giới Việt - Trung, áp thấp sẽ gây một đợt mưa to đến rất to từ ngày 25-7 đến 27-7, tập trung nhiều ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu. Nhiều nơi dự báo sẽ có mưa lũ, sạt lở trở lại. Từ ngày 25 đến 27-7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Kỳ Cùng - Bằng Giang sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-5m. Đỉnh lũ trên thượng lưu các con sông này sẽ ở mức báo động 2-3.
Khẩn cấp sửa chữa cầu đường, hỗ trợ bà con thiệt hại
Tranh thủ nắng ráo giữa 2 đợt mưa lũ, ngày 23-7, tại các tỉnh bị thiệt hại nặng nề như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ…, lực lượng chức năng, quân đội nỗ lực cùng nhân dân trên địa bàn khắc phục hậu quả để dần khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Tại tỉnh Yên Bái, ngày 23-7, lực lượng cứu hộ vẫn tập trung tìm kiếm các nạn nhân bị lũ cuốn mất tích. UBND tỉnh Yên Bái và các huyện có thiệt hại đã hỗ trợ những gia đình có người bị chết, bị thương, nhà bị sập đổ hoàn toàn với tổng số tiền 2,4 tỷ đồng và 12,450 tấn gạo.
Cán bộ, đoàn viên thanh niên Tỉnh đoàn Yên Bái giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, dọn dẹp đường sá
Ngày 23-7, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã quyết định trích 265 triệu đồng từ quỹ cứu trợ để hỗ trợ 18 gia đình có người chết, 17 người bị thương của các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An bị thiệt hại do mưa lũ. Mức hỗ trợ đối với gia đình có người chết là 10 triệu đồng/người, người bị thương 5 triệu đồng/người.
Tại tỉnh Lào Cai, mưa lũ cũng đã tàn phá tại các huyện Sa Pa, Văn Bàn, Bảo Thắng với tổng thiệt hại lên tới 230 tỷ đồng (chủ yếu là do sự cố tại các công trình thủy điện nhỏ). UBND huyện Sa Pa đã hỗ trợ trước mắt cho một gia đình có người bị lũ cuốn trôi gần 11 triệu đồng tại thôn Tả Trung Hồ, xã Bản Hồ (Sa Pa).
Còn tại huyện Tân Sơn - Phú Thọ, với những hộ có người bị thiệt mạng và nhà bị sập đổ hoàn toàn, UBND huyện Tân Sơn đã hỗ trợ khẩn cấp mỗi hộ 10 triệu đồng để bà con ổn định cuộc sống và có kế hoạch hỗ trợ 10 triệu đồng/ha cho 700ha lúa bị ngập hoặc mất trắng để người dân khôi phục sản xuất. Nan giải nhất hiện nay tại địa bàn huyện Tân Sơn là mưa lũ đã đánh sập cầu treo của xóm Bến Gạo, xã Văn Luông và làm đứt một mố cầu cứng trên đường từ xã Văn Luông đi xã Minh Đài; sụt lún một đầu cầu trên đường từ xã Tân Phú đi xã Xuân Đài; tàn phá trên diện rộng, làm sạt lở nhiều đoạn đường giao thông với chiều dài từ 10 - 100m tại các điểm như: Dốc Tre, xã Lai Đồng; đường đi khu Mỹ Á, xã Thu Cúc; khu Sặt, xã Vinh Tiền; dốc Đỏ, xã Xuân Sơn đi xã Minh Đài, đường 316E đoạn khu Tân Lập, Tân Thư - xã Minh Đài; đỉnh Đèo Cón, xã Thu Cúc; đổ cột điện cao thế, vỡ đập tràn xóm Dụ, xã Xuân Đài, trôi nhà văn hóa khu Ú, xã Thu Cúc; nước lũ các suối, tràn tiếp tục dâng cao, chảy xiết nên hệ thống đường liên thôn, liên xã bị chia cắt…
Đi kiểm tra thực tế tại 2 cây cầu bị hư hỏng nặng, các phương tiện không thể lưu thông là cầu Minh Đài và cầu treo Văn Luông, ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, đã yêu cầu Sở GTVT tỉnh Phú Thọ sớm lên phương án kỹ thuật, thi công, tập trung xử lý nhịp cầu Minh Đài bị đứt gãy, giao UBND tỉnh Phú Thọ bố trí nguồn vốn để đưa cây cầu lưu thông trở lại trong tháng 8. Còn đối với cầu treo Văn Luông bị đứt, giao UBND huyện Tân Sơn khẩn trương lập phương án khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thi công để sớm đưa vào sử dụng trở lại.
Để ứng phó đợt mưa lũ mới, trên địa bàn tỉnh Sơn La, hiện nay Đồn biên phòng Chiềng Tương (huyện Yên Châu) đã cử cán bộ, chiến sĩ xuống bản Mơ Tươi, xã Lóng Phiêng gặt lúa giúp bà con, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương và dân quân xã Chiềng Tương di chuyển 4 hộ tại bản Pa Kha 2 ra khỏi vùng bị sạt lở. Còn tại huyện Vân Hồ (cửa ngõ của Sơn La), suốt nhiều ngày qua hoạt động giao thông trên quốc lộ 6C bị tê liệt hoàn toàn do bị ngập úng nặng nề đoạn quốc lộ 6C đi qua bản Co Tang, xã Lóng Luông (Vân Hồ). Tuy nhiên, đến ngày 23-7, nước đã rút dần, lực lượng cứu hộ đã san lấp tạm để các loại xe từ 7 chỗ trở lên có thể lưu thông, giải thoát ách tắc.
62.000 khách hàng vẫn chưa có điện
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành điện vì hệ thống cột bị đổ, mưa lũ ngập lụt, sạt lở. Hiện vẫn còn hơn 62.000 khách hàng chưa được khôi phục điện do sạt lở, ngập úng nghiêm trọng nên công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như tại các huyện Lang Chánh (Thanh Hóa); Yên Châu, Phù Yên, Mộc Châu (Sơn La); Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Sơn (Phú Thọ); Kỳ Sơn, Tương Dương (Nghệ An)...