Tận dụng ánh sáng thiên nhiên

Giả sử với một bóng đèn huỳnh quang loại 36W thì ta có lượng điện năng trong một giờ là 129.600 (Wh), với một lớp học có 12 bóng đèn huỳnh quang và sử dụng trong 4,5 giờ (một buổi học) thì điện năng tiêu tốn là 6.998.400 (Wh).

Việt Nam với số lượng lớp học trong các trường THCS, THPT và cao đẳng, đại học là khá nhiều nên lượng điện năng tiêu thụ dùng để chiếu sáng cho các lớp học là rất nhiều. Vậy tại sao chúng ta không học ở một không gian mới có thể tiết kiệm lượng điện năng đó. Không gian học ấy chính là ở sân trường với những bộ bàn ghế đặc biệt và bảng chuyên dụng. Trong một trường, Ban Giám hiệu sẽ phân định cho các lớp (số lượng lớp phù hợp với điều kiện sân trường của mỗi trường) học ở sân trường với những ngày nhất định (số ngày được chia đều tùy theo số lượng lớp).

Ví dụ: Ở Trường Chuyên Lê Hồng Phong có 58 lớp (10,11,12) và diện tích sân trường phù hợp cho một lần có từ 2 đến 3 lớp học ngoài trời mà trong một năm (trừ những ngày nghỉ, ngày lễ,…) số buổi học của một lớp nhiều hơn 200 tiết -> số tiết ngoài trời của một lớp là 32 tiết học, Ban Giám hiệu sẽ phân chia 32 tiết đó trải đều vào các ngày trong năm, một ngày học nhiều nhất 2 tiết ngoài trời và sắp xếp giáo viên dạy ngoài trời nhiều nhất là 3 tiết. Sau đây là mô hình bàn ghế đặc biệt và bảng chuyên dụng:

Bàn ghế đặc biệt: lấy mẫu ghế có sẵn trong hội trường của Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong và thêm vài chi tiết:

+ Hai thanh kim loại đặt sau lưng ghế, tính chất: rỗng bên trong, mỗi thanh sẽ chứa một thanh kim loại khác nhỏ hơn (chức năng có thể thay đổi chiều cao mái che).

+ Mái che: vải dù (vải làm cây dù) trong mờ được cố định bằng 4 khung kim loại dễ dàng dựng lên hay xếp lại.

Bảng chuyên dụng: Hai tấm bảng mà tổng diện tích là bằng bảng xanh thông thường trên lớp học, hình dạng ban đầu là một tấm bảng có diện tích bằng nửa bảng thông thường để dễ dàng di chuyển, khi cần sẽ kéo tấm bảng còn lại ra.

THỦY ĐIỆN TRONG THÀNH PHỐ

Ở nước ta, dòng điện được sản xuất ở khá nhiều các nhà máy: thủy điện, nhiệt điện, điện nguyên tử,… Dòng điện đó muốn đến được với cộng đồng thì nó phải truyền qua hàng trăm hay hàng ngàn kilomet. Do đó hao phí rất nhiều điện. Ta có thể giảm hao phí này bằng cách nào? Trong thành phố của chúng ta, cống rãnh rất nhiều, lượng nước thải ra trong một ngày không kể xiết. Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc xây một nhà thủy điện trong lòng đất để tận dụng được lượng nước thải vô ích này. Khi một nhà máy thủy điện như vậy được xây dựng, nó sẽ phát điện ngày lẫn đêm và cho ra dòng điện liên tục. Nếu xây dựng ngay trong lòng thành phố nó sẽ cung cấp điện thường trực và ít hao phí do đường dây tải điện ngắn. Hơn nữa, diện tích trên mặt đất cũng không bị hao hụt tí nào.

Ta sẽ cho những đường ống nước thải lớn hội tụ tại một khu vực. Khu vực đó ta sẽ xây nhà máy. Tại khu vực này, ta sẽ đào sâu thêm 10 đến 20m nữa để tạo thế năng cho dòng nước chảy. Trước khi đến khu vực thủy điện, nước thải đòi hỏi phải được lược hết rác để tránh làm kẹt tua pin của máy phát điện. Ta sẽ dùng những tấm lưới lớn xếp song song để lược các mảnh rác lớn. Khi một tấm lưới lọc đã chứa đầy rác, ta sẽ luân phiên hạ xuống những tấm lưới khác. Lưới cũ sẽ được làm sạch rồi hạ xuống để sử dụng tiếp. Khi dòng nước tương đối sạch rác thì ta dẫn chúng qua khu vực thủy điện. Ở đây ta sẽ xây nhiều khe nhỏ chia dòng nước thành nhiều phần, đồng thời cũng tăng áp suất chảy của dòng. Những khe nước sẽ dẫn nước xuống khu vực tua pin nước để làm quay tua pin. Cánh quạt cụa của tua pin sẽ được làm bằng sợi cacbon để độ bền cao nhất vì trong nước cống có nhiều chất ăn mòn. Nước sau khi dẫn qua tua pin sẽ được xử lí bằng các máy tạo ion âm để giảm bớt sự dơ bẩn, sau đó lại theo dòng mà nó thường chảy để thải ra sống, ra biển. Nói về việc bảo trì, ta sẽ làm các đường ống phụ. Khi cần bảo trì, ta khóa các đường ống chính dẫn vào khu thủy điện và mở các đường ống phụ cho nước chảy theo hướng khác.

Nếu đầu tư một nhà máy như vậy, có thể tốn khá nhiều tiền trước mắt, nhưng nếu xét về lâu dài, lượng tiền và năng lượng mà ta tiết kiệm được sẽ khá lớn. Công suất của nhà máy này tương đối ổn định vì nước thải chảy cả ngày lẫn đêm, hoàn toàn có thể cung cấp cho ta dòng điện lâu dài. Hơn nữa, những nguồn nước thải lớn liên tục được ta xử lý để giảm bớt phần nào ô nhiễm. Như vậy ta có thể vừa tiết kiệm năng lượng, vừa bảo vệ môi trường.

MÁY THỂ THAO PHÁT ĐIỆN

Trong khi tập luyện thể dục trên các máy chạy bộ để tiêu hao mỡ thừa, phần năng lượng chúng ta tiêu hao đã chuyển hóa thành cơ năng và nhiệt năng của những bánh xe và ròng rọc. Phần cơ năng và nhiệt năng này có thể nói là vô ích và không dùng vào mục đích gì. Vì thế, ta có thể chuyển hóa phần năng lượng này thành năng lượng có ích thông qua việc gắn vào những bánh xe một vài máy phát điện cỡ trung bình. Dòng điện sinh ra là dòng điện xoay chiều. Tuy nhiên, dòng điện này có hiệu điện thế không ổn định nên ta sử dụng ổn áp để ổn định hiệu điện thế. Tiếp theo, dòng điện sẽ được tích vào các máy tích điện UPS và được đưa vào sử dụng với mục đích thích hợp. Loại máy thể thao chế tạo như vậy có thể phát triển theo quy mô lớn ở trong các trường học hoặc phòng tập thể dục. Chỉ một máy thì dòng điện có thể ít nhưng nếu ta sản xuất nhiều máy và có nhiều người cùng tham gia một lúc thì dòng điện sẽ khá lớn.

Tập thể 11A5 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Giải khuyến khích)

Tin cùng chuyên mục