Tận dụng cơ hội

Thái Lan bị thiên tai, Trung Quốc tăng giá nhân công, Nhật Bản bị động đất, sóng thần. Tất cả các diễn biến này đều làm giảm tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư, làm tăng chi phí sản xuất tại các quốc gia trên. Họ cũng cần nhiều thời gian để phục hồi hoặc điều chỉnh chính sách. Đó cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và những nước khác trong khu vực ASEAN. Tuy vậy, tận dụng được cơ hội từ bên ngoài hay không là do nội lực. Khả năng tiêu hóa nguồn đầu tư phụ thuộc vào năng lực đang có của nền kinh tế.

Các trở ngại mà nhà đầu tư nước ngoài từng đối diện ở Việt Nam là chuyện không mới, nhưng nay vẫn chưa cũ. Ngay ở khâu tiếp nhận, chúng ta đã thiếu một bộ lọc, thẩm định đầu tư đúng chuẩn. Mặt khác, là cản trở của lợi ích nhóm trong xét duyệt, phân bổ và thực hiện đầu tư. Ở bên trong, nội bộ nền kinh tế chưa có chất lượng và hiệu suất ổn định, đáng tin cậy. Câu chuyện mất hàng chục năm mà tỷ lệ nội địa hóa trong lắp ráp ô tô vẫn chỉ vài phần trăm là một ví dụ. Trên diện rộng, công nghiệp phụ trợ yếu kém, quá phân tán. Có đến 70% - 80% sản phẩm hỗ trợ của các doanh nghiệp lắp ráp vẫn phải nhập khẩu.

Bên cạnh đó, là việc thiếu chiến lược tổng thể về phát triển công nghiệp, nên khi có dòng đầu tư mới, các địa phương hoặc ngành lại tranh giành nhau. Miếng bánh đã nhỏ mà còn chia nhiều phần tủn mủn, rốt cuộc ai cũng có nhưng vẫn “đói”. Thảm đỏ mời gọi đầu tư được trải một cách hồ hởi, nhưng hết tấm thảm là nhiều sự dở dang. Sân bay địa phương thua lỗ, cảng biển vắng tàu hàng, khu công nghiệp bỏ hoang... là những minh chứng.

Một vấn đề nữa có tốc độ cải thiện rất chậm, là chính sách thiếu nhất quán, không ổn định. Hệ thống văn bản luật và dưới luật liên quan đến đầu tư có nhiều chồng chéo, dẫn tới ách tắc khi triển khai trên thực tế. Song hành là nạn tham nhũng, hối lộ. Những rào cản đó sẽ làm tăng chi phí và thời gian của mỗi dự án. Đồng thời làm giảm uy tín và sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế là nhằm tăng hiệu quả và sức cạnh tranh. Một cơ thể có nhiều khuyết tật kéo dài thì không thể khỏe mạnh. Cũng cần nói thêm, là chữa các chứng bệnh nặng thì có thể cần giải phẫu, cạo sạch ổ bệnh chứ không nên tiếp tục né tránh bằng các liều thuốc giảm đau.

Bất ổn kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ còn kéo dài và cơ hội đến từ sự dịch chuyển đầu tư sẽ còn xuất hiện thêm trong thời gian tới. Nhưng ở mọi thời điểm, không nhà đầu tư nào đến vì lòng tốt. Họ đến vì lợi ích, vì túi tiền của họ. Và đến được ắt sẽ đi được, khi họ thấy chỗ khác có lợi hơn. Sự phục hồi của các nước sau thiên tai hay những điều chỉnh về chính sách thu hút đầu tư, sự gia cố hiệu quả hơn của các nước ASEAN... có thể xảy ra nhanh hơn. Nếu các khuyết tật của nền kinh tế Việt Nam không được sửa chữa nhanh và căn cơ, chúng ta sẽ mất cơ hội. Trong một trận đấu căng thẳng, đối thủ bất ngờ bị chấn thương, giảm sức mạnh, đội kia sẽ có cơ hội ghi bàn. Nhưng ghi bàn được hay không là do khả năng tận dụng, không được để lãng phí cơ hội.

Vũ Thượng

Tin cùng chuyên mục