Ngày 3-7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau”. Một lần nữa, câu chuyện về việc làm sao giảm bớt sự lệ thuộc về kinh tế với Trung Quốc lại được các chuyên gia, đại diện hiệp hội ngành hàng nêu ra.
Trung Quốc khó gây hấn ồ ạt về kinh tế với Việt Nam
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam đã dấy lên những lo ngại ảnh hưởng về mặt kinh tế, nhất là một số ngành đang lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi gia nhập WTO, hội nhập của Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới khi đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) sâu rộng với các đối tác lớn nhất thế giới như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU, thông qua đó trở thành một phần của kinh tế toàn cầu, trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau. Việt Nam đang là đối tác của Trung Quốc và Trung Quốc thực tế cũng có nhiều lợi ích ở Việt Nam, nhất là một số tỉnh nghèo của Trung Quốc giáp Việt Nam. Do vậy, vấn đề đặt ra là Việt Nam cần khai thác được các lợi thế thương mại với Trung Quốc, giữ ổn định, tăng tự chủ, nhất là những ngành phải nhập khẩu nguyên liệu như dệt may, máy móc, thiết bị hay xuất khẩu nông sản, nguyên liệu thô. Chính vì vậy, đa dạng hóa, mở rộng khai thác các thị trường tiềm năng đang là hướng đi triển vọng.
Nhận định về đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc (CIEM), theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, câu hỏi lớn nhất hiện nay là Trung Quốc có gây hấn ồ ạt về kinh tế với Việt Nam ở quy mô lớn? Trả lời cho câu hỏi này, ông Thành cho rằng, đó là điều không dễ. Lý do là quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc không chỉ là quan hệ của hai nước mà còn là của các tập đoàn đa quốc gia. Chẳng hạn như 60% nhập khẩu nguyên liệu của Việt Nam gắn với các tập đoàn đa quốc gia như Canon, Samsung… với con số hàng tỷ USD. Nếu chỉ tính 10% giá trị trong đó, Trung Quốc cũng thu về hàng trăm triệu USD cộng với lợi ích về công ăn việc làm của hàng trăm ngàn lao động. Tiếp đến là quan hệ kinh tế của Việt Nam - Trung Quốc cũng gắn chặt với các cam kết của WTO hay với ASEAN nên không dễ phá bỏ. Và cuối cùng, nếu Trung Quốc gây hấn lớn hơn sẽ gây ra hình ảnh không đẹp với thế giới.
Chia sẻ quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM, cho rằng các tỉnh của Trung Quốc như Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây đều phải nhập khẩu một lượng lớn gạo từ Việt Nam và họ đang ăn gạo của chúng ta. Dù chúng ta bị họ ép giá nhưng rõ ràng họ không thể không nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam. Mặt hàng cao su cũng tương tự. Với các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, họ nhập khẩu linh kiện để sản xuất từ Trung Quốc. Do vậy, Trung Quốc không thể gây sức ép vì điều đó sẽ làm cho doanh nghiệp nhìn họ như một đối tác không đáng tin cậy. Xét ở góc độ láng giềng hiện nay, chúng ta cũng đang có vị trí quan trọng. Do đó, chúng ta phải xác định rõ vị trí của mình trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
Cơ hội để tránh quá phụ thuộc vào một thị trường
Theo các chuyên gia, xét các mặt hiện nay, Trung Quốc là đối tác mà các nước “không thể không chơi” khi nước này là thị trường tiêu thụ lớn lẫn vị trí là một “công xưởng” của thế giới. Tuy nhiên, theo TS Võ Trí Thành, đây là thời cơ với chúng ta giúp đẩy nhanh tái cấu trúc, hội nhập sâu rộng với những đối tác, nền kinh tế tốt nhất để học hỏi. Cũng theo ông Thành, các giải pháp đấu tranh với Trung Quốc hiện nay gồm: đấu tranh pháp lý; tính uyển chuyển sức mạnh thị trường như các công ty lữ hành hay doanh nghiệp dệt may đang chuyển hướng thị trường; đẩy nhanh ký kết các TPP, FTA Việt Nam - EU; giám sát và phản ứng nhanh với cú sốc, rủi ro xuất hiện một cách có hiệu có quả. Còn theo TS Lê Đăng Doanh, sự hiện diện của các doanh nghiệp Trung Quốc trong hàng loạt dự án lớn và quan trọng của Việt Nam cũng đem lại mối lo ngại về chất lượng và tiến độ. TS Lê Đăng Doanh còn cho rằng, với các dự án có nhà đầu tư Trung Quốc tham gia, lợi ích nhóm chi phối mạnh trong khi “Trung Quốc là bậc thầy của mua chuộc, đút lót”. Do vậy, không có cách tự chủ nào khác là chúng ta phải tự cải cách và mạnh lên. Việt Nam cần tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc làm ra các sản phẩm có tính khác biệt và vượt trội cũng như áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tạo vị trí quan trọng với đối tác. Việt Nam nên có sự điều chỉnh nhất định trong chính sách, quan hệ kinh tế với Trung Quốc để giảm bớt rủi ro. Cùng với đó là nâng sự tự chủ trong các ngành của nền kinh tế, mà trước tiên là tự chủ về lương thực, giảm bớt tình trạng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Trung Quốc trong khi đây chính là thế mạnh của Việt Nam.
Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, cách hành xử của chúng ta đang ở thế bất tương xứng: hàng lậu, hàng gian lận thuế đang bỏ ngỏ từ thị trường Trung Quốc trong khi chúng ta lại tự đánh giá thấp khả năng của mình. Theo ông Hải, trước thực tế hiện nay, chúng ta cần có biện pháp đáp trả mạnh mẽ. Chẳng hạn như để đối phó với hàng gian lận thuế, cần quy định các hộ kinh doanh nếu bán hàng với giá cao hơn hóa đơn trên 50% thì sẽ tịch thu hàng hóa. “Nếu áp dụng chế tài mạnh thì hàng gian lận thuế sẽ không còn”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Để giải bài toán phụ thuộc với ngành dệt may, theo bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, bên cạnh việc tăng năng lực sản xuất trong nước còn cần đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào sản xuất nguyên nhiên liệu và việc Việt Nam sẽ tham gia TPP đang là cơ hội lớn cho việc kêu gọi đầu tư này. Trên thực tế, doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã hướng đầu tư vào Việt Nam để tận dụng ưu đãi. Bên cạnh đó cần cải thiện năng lực cạnh tranh cả ở cấp quốc gia và doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục thuế, hải quan…
HÀ MY