Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về năng lượng sinh khối rất lớn. Nếu biết tận dụng tốt nguồn năng lượng dồi dào này, Việt Nam sẽ giảm được phần nào áp lực lên sự mất cân bằng cung - cầu năng lượng trong nước. Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng sinh khối ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu của Bộ Công thương, tỷ lệ tăng trưởng nhu cầu năng lượng ở Việt Nam hiện tăng ở mức gấp đôi so với tỷ lệ tăng trưởng GDP. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ lệ này chỉ ở mức xấp xỉ 1. Tiêu thụ năng lượng của Việt Nam ngày càng gia tăng và đã tăng hơn 4 lần từ năm 2005, tiêu thụ năng lượng điện tăng gần 400% trong vòng 10 năm từ 1998 - 2008. Với đà này, Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng trong giai đoạn từ năm 2015 trở đi. Trong khi đó, chúng ta lại đang bỏ phí một nguồn năng lượng vô cùng lớn và quý giá đó là nguồn năng lượng sinh khối từ rơm rạ, củi trấu, phế phẩm nông nghiệp. Số liệu cho thấy, hiện nay 90% sản lượng sinh khối được dùng để đun nấu trong khi chỉ có 2% dùng làm phân bón hữu cơ và phân bón vi sinh từ nguồn phế phẩm chăn nuôi, trồng trọt.
Số liệu thống kê của Viện Năng lượng Việt Nam cũng cho thấy, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối. Tiềm năng sinh khối gỗ năng lượng lên đến gần 25 triệu tấn, tương đương với 8,8 triệu tấn dầu thô. Riêng tiềm năng lượng sinh khối phụ phẩm nông nghiệp của nước ta gồm rơm rạ, trấu, bã mía và các loại nông sản khác lên đến gần 53,5 triệu tấn, tương đương với 12,8 triệu tấn dầu thô. Đặc biệt nguồn năng lượng này sẽ liên tục được tái sinh và tăng trưởng đều đặn trong vòng 30 năm. Tuy nhiên, cái thiếu hiện nay của Việt Nam đó là thiếu các dự án đầu tư phát điện công nghệ hiện đại. Hiện nay đa phần các nhà máy chỉ là quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu thực tế nên nguồn năng lượng này vẫn chỉ là ở dạng tiềm năng.
Trong lĩnh vực sản xuất điện, hiện nay, điện sinh khối của nước ta mới chỉ dừng lại ở quy mô sản xuất nhỏ và nội bộ trong một số nhà máy, đặc biệt là các nhà máy đường. Hiện có 41 nhà máy đường tại Việt Nam đã sử dụng bã mía để tự phục vụ sản xuất điện với công suất khoảng 150 MW. Ngoài ra, có 5 nhà máy mía đường lớn sản xuất điện thương phẩm với tổng sản lượng lũy kế xấp xỉ 100 triệu kWh. Tuy nhiên, giá bán điện sinh khối thương phẩm thấp, ở mức khoảng 4 cents/kWh (tương đương 800 đồng/kWh) đang là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư sản xuất nguồn điện này. Theo các nhà đầu tư điện sinh khối từ bã mía, mức giá bán điện cần đạt ít nhất 8 cents/kWh để có lãi do chi phí đầu tư một nhà máy điện bã mía cần khoảng 750.000 đến 1 triệu USD/MW. Như vậy, kỳ vọng về mức giá bán lẻ điện sinh khối trong nước ở mức 8-9 cents/kWh trong vòng từ 3-5 năm tới dường như là không thể. Vì vậy, cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ về giá của Chính phủ cho hoạt động sản xuất điện này.
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng Việt Nam cho biết thêm, trong bối cảnh ngày càng cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch nội địa, sự phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới, khả năng đáp ứng năng lượng đủ cho nhu cầu trong nước ngày càng khó khăn và trở thành một thách thức lớn. Như vậy, việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo sạch có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế - xã hội, an ninh lương thực và phát triển bền vững. Kinh nghiệm cho thấy, ngành sản xuất điện từ nguyên liệu sinh khối không những góp phần đảm bảo an toàn năng lượng trong nước, mà còn tạo ra các ngành chế biến mới, sản phẩm mới, và việc làm mới ở nông thôn, đặc biệt mở ra hướng đi mới nâng cao đời sống nông dân, qua hình thành các khu công nghiệp và đô thị sinh thái khép kín. Trong đó, các chất thải và sinh khối được dùng để chế tạo năng lượng sinh học, nếu có quy hoạch, quản lý và chính sách khuyến khích, hỗ trợ thích đáng.
HÀ VĂN
Các tin, bài viết khác
-
Dân mua thú hoang dã giao cho kiểm lâm thả về rừng
-
Đề xuất thành lập Khu bảo tồn biển Cần Giờ
-
Cá chết hàng loạt ở thượng nguồn sông Sài Gòn
-
Dân phản đối hút cát trên sông
-
VWS sử dụng thiết bị bay không người lái để xịt khử mùi
-
Hồ Trị An bị ô nhiễm
-
Nam bộ tiếp tục có mưa
-
ĐBSCL: Xâm nhập mặn có xu thế giảm, nhưng vẫn ở mức cao
-
Đêm nay, ngày mai có thể xuất hiện mưa
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đình chỉ hoạt động doanh nghiệp xả thải gấp 46 lần cho phép