Lâu nay, khi nói đến phá rừng là nói đến lâm tặc nhưng đến vụ việc Trưởng Công an huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị tạm đình chỉ công tác vì liên quan đến việc tổ chức phá rừng phòng hộ, đã cho ta hiểu được vì sao các vụ phá rừng trên diện rộng, quy mô lớn, kéo dài diễn ra gần như công khai.
Xuyên thủng rừng già
Huyện Khánh Sơn được nhiều người ví như... Đà Lạt thứ hai. Ở đây, tiết trời se lạnh, gần như giống với xứ sở cao nguyên Langbian. Khánh Sơn có một “mái nhà” ngày đêm che mưa, che nắng, điều hòa khí hậu cho mảnh đất và con người nơi đây, đó chính là những cánh rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Địa hình núi non, bao quanh bởi những cánh rừng già nguyên sinh bao đời nay là tấm lá chắn cho vùng đất Khánh Sơn phát triển. Vậy nên rừng Khánh Sơn đóng vai trò rất quan trọng trong giữ đất, giữ người. Thế nhưng, trong vòng 10 năm trở lại đây, những cánh rừng bị tàn phá không thương tiếc trước sự “bất lực” hay “vô cảm” của các cơ quan bảo vệ rừng và cả sự thiếu kiên quyết của lãnh đạo địa phương, vì thế “mái nhà” Khánh Sơn ngày bị “dột nát”, loang lổ.
Nói đến Khánh Sơn phải nhắc đến rừng phòng hộ Tà Gụ (thuộc xã Sơn Hiệp), vốn còn nguyên sinh. Nhưng những năm gần đây, lâm tặc đốn tỉa nhiều loại gỗ quý hiếm, chặt phá nhiều khoảnh rừng để sản xuất. Vì thế, những khoảng trống giữa lõi rừng ngày một nhiều. Men theo những lối đi vốn đã hằn bước chân lâm tặc thấy ngổn ngang những cành, ngọn cây gỗ quý còn sót lại sau những lưỡi cưa đứt ruột rừng già.
Ở gần đầu nguồn thác Tà Gụ, danh thắng vừa được xếp hạng di tích cấp tỉnh và chỉ cách trung tâm xã Sơn Hiệp khoảng 4km, một cánh rừng phòng hộ gần 4ha thuộc tiểu khu 270 đã bị phá tan hoang. Giống như “đại công trường” khai thác gỗ, cây lớn có đường kính từ 20 - 60cm thì cưa xẻ gỗ tại chỗ, cây nhỏ, cây lồ, cây bụi... đều bị chặt hạ và đốt rụi để lấy đất trồng cây keo lai. Dù rừng chưa bị “xóa sổ” hoàn toàn, nhưng với kiểu khai thác “móc ruột” thế này, rừng phòng hộ Tà Gụ đang dần nghèo kiệt.
Trong tổng diện tích 337km² diện tích đất tự nhiên của Khánh Sơn, có đến 94% đất lâm nghiệp, trong số đó rừng già, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn chiếm số lớn. Tuy nhiên, những số liệu đó nay chỉ còn trên bản đồ, rừng còn lại chỉ là những vành đai, là cái vỏ bề ngoài. Trong khi hậu quả người dân phải gánh chịu, rõ nhất là những trận lũ tại Khánh Sơn ngày càng nhiều, càng hung dữ.
Cán bộ bắt tay lâm tặc?
Rừng Khánh Sơn bị phá, bấy lâu nay thường quy kết cho người dân địa phương, vốn chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người gây ra nhưng thực tế, đó chỉ là những người làm thuê, kiếm tiền mua gạo, còn đứng sau họ mới chính là những lâm tặc đúng nghĩa. Theo điều tra, các điểm nóng về nạn phá rừng ở Khánh Sơn thời gian qua tập trung chủ yếu ở khu vực suối Tà Gụ và hiện nay đang nổi cộm tại xã Ba Cụm Nam. Tại đây có hẳn các nhóm đầu nậu chuyên đứng ra tổ chức phá rừng. Điều tra ban đầu cho thấy có ít nhất 4 nhóm đối tượng, cầm đầu là các tên Tới, Tâm Bé Hai, Te (Dũng)… Họ thuê người dân địa phương vào rừng khai thác. Đáng nói hơn, những nhóm phá rừng ngày càng tăng về số lượng lẫn quy mô, với trang thiết bị ngày càng hiện đại.
Điều đáng nói, đối tượng phá rừng ở đây có cả cán bộ, con em, họ hàng lãnh đạo các xã có rừng. Bởi thế, theo Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn, trong vòng 9 tháng qua đã phát hiện gần 60 vụ phá rừng (nhiều vụ liên quan đến con em cán bộ xã), tịch thu hơn 67,7m3 gỗ các loại; TAND huyện đã tuyên phạt tù một số đối tượng để răn đe nhưng xem ra nạn phá rừng vẫn không giảm.
Mới đây, dư luận Khánh Hòa “bất ngờ” khi biết Trưởng Công an huyện Nguyễn Thành Trung bị tạm đình chỉ công tác do liên quan đến việc tổ chức phá rừng phòng hộ trên địa bàn. Năm 2005, ông Trung đứng ra đại diện cùng hai người khác cũng là cán bộ Công an huyện Khánh Sơn, nhận khoán hơn 20ha đất (trong đó có hơn 12ha rừng phòng hộ) ở tiểu khu 635 thuộc xã Sơn Hiệp để trồng rừng kinh tế trong vòng 35 năm từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn. Sau đó, tháng 8-2011, ông Trung tổ chức chặt hơn 3ha rừng trồng, trong đó có cả diện tích rừng phòng hộ và một số cây rừng tự nhiên, thuê người ủi đất mở đường vào khu vực rừng này. Với việc làm này của ông Trung, dư luận hoàn toàn có cơ sở để lo lắng đến những cánh rừng phòng hộ sẽ bị xuyên thủng.
Buông lỏng, bảo kê?
Đường đến Khánh Sơn chỉ có tuyến độc đạo - tỉnh lộ 9. Thế nhưng không hiểu sao hàng ngàn mét khối gỗ vẫn được vận chuyển trót lọt qua đường này để về đồng bằng? Đặt chân lên khu vực xã Ba Cụm Nam, Ba Cụm Bắc, hỏi người dân ai cũng biết đến những trùm gỗ nổi tiếng như: Hương, Thư, Hiếu, Tuấn Bọng, Dũng An, Thắng Mạng…, trong đó nổi đình đám là Hương, Thư. Hai người này có mối quan hệ khá mật thiết với các “quan” kiểm lâm, công an. Có lẻ vì thế, gỗ khai thác lậu được vận chuyển về xuôi khá công khai và vô tư.
Một thực tế khác, trên địa bàn huyện Khánh Sơn có đến 4 trạm bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ, 2 trạm kiểm lâm, mỗi xã đều có 1 đội lâm nghiệp và 1 kiểm lâm viên, chưa kể lực lượng liên ngành của huyện lập các chốt chặn, kiểm soát ở cửa rừng. Với quy trình thế này tưởng con kiến cũng khó qua nói gì những xe chở gỗ to tướng, nhưng thực tế ngược lại hoàn toàn.
Cho đến giờ, những cánh rừng phòng hộ tại Khánh Sơn vẫn liên tục bị tàn phá, trách nhiệm trước hết thuộc về Hạt Kiểm lâm và Ban quản lý rừng, cụ thể hơn là những cán bộ lãnh đạo các cơ quan này. Nếu công tác quản lý bảo vệ tiếp tục bị buông lỏng thì rừng Khánh Sơn sẽ chẳng còn.
"Chuyện con em cán bộ xã phá rừng đã tồn tại từ lâu. Hiện trong xã vẫn còn có trên chục đối tượng cấu kết với đầu nậu có máu mặt chuyên khai thác gỗ trái phép" Chủ tịch UBND xã Sơn Bình Lê Ánh Sáng |
VĂN NGỌC