Tôi rất thích mưa. Bao giờ tôi cũng thích mưa. Vì mưa luôn gợi lại những hoài niệm. Có lẽ không riêng tôi, tôi tin những kỷ niệm đáng nhớ nhất của mỗi người đều gắn với một cơn mưa nào đó.
Tôi luôn tìm cách đưa những cơn mưa vào trang sách. Viết tác phẩm Đi qua hoa cúc, tôi sung sướng tả mưa: “Những đóa hoa cúc vẫn tiếp tục khoe sắc trong mưa, mặc dù sáng ra tôi nhìn thấy nhiều cánh hoa bị dập, một số rụng lả tả trên mặt đất ướt. Những cánh hoa rơi vãi đó, chị Ngà không cho ai quét. Chị nhón lấy từng cánh, gom vào dưới gốc và nhặt lá tre khô đắp lên. Chị bảo làm như thế, những cánh hoa dù rơi rụng vẫn được ngủ ấm áp trong nhà mình.
Đó là buổi sáng. Bây giờ, mỗi buổi chiều chị ngồi trong nhà ngắm dãy cúc qua màn mưa lướt thướt, trắng tựa sương mù. Những lúc đó, nếu không đi rảo với anh em thằng Chửng, tôi thường ngồi co ro bên cạnh chị, thu tay vào bụng và lơ đãng nhìn ra sân.
Hai chị em ngồi với nhau như vậy trong nhiều ngày trước khi những cơn mưa lê thê chấm dứt. Thường thì chẳng ai nói gì. Tôi lặng lẽ nhai đậu phộng rang thủ sẵn trong túi hoặc gặm những trái ngô nướng thơm lừng. Chị Ngà ngồi trên ngách cửa, chân duỗi thẳng, tay vòng trước ngực, bất động và mơ màng. Có vẻ như chị đang ngóng đợi một điều gì từ những cơn mưa muộn”.
Tiếc là khả năng của tôi chỉ đến đó, nếu không tôi sẵn sàng dành hai, ba chục trang nữa để tả mưa.
Trong những cuốn sách sắp tới, các bạn hãy tin đi, thế nào tôi cũng dành thật nhiều trang cho những cơn mưa. Đơn giản là, tôi rất yêu mưa.
***
Sở dĩ tôi viết bài tản mạn này chẳng qua do chiều nay ngồi ở quán Đo Đo với hai người bạn, tự nhiên trời đổ mưa sầm sập. Gió thổi u u luồn qua con hẻm, làm lắt lay những cành huỳnh anh ở tầng thượng.
![]() |
Ngồi dưới chiếc dù to nhìn nước chảy róc rách giữa con hẻm xi măng, tự dưng tôi thấy nhớ tuổi thơ khắc khoải.
Thời thơ ấu của tôi, bọn trẻ con chỉ mong trời mưa để nhong nhong tắm mưa và xếp thuyền thả lượn lờ theo dòng nước rồi say sưa nhìn ngắm.
Những con thuyền giấy con con đó đã chở theo chúng bao nhiêu là kỷ niệm. Những ký ức lung linh đó, bây giờ đi đâu về đâu, sao trẻ con thành phố bây giờ không còn tha thiết nữa?
Trẻ con hôm nay gặp trời mưa, thu lu trong nhà chơi game, xem tivi, lướt web hoặc nhốt mình trong lớp học thêm, lớn hơn chút nữa thì chui vào rạp xem phim hoặc ngồi quán cà phê tán gẫu.
Tuổi thơ các em không có những con thuyền giấy trôi lững lờ theo dòng nước những buổi trời mưa, các em lấy gì để chuyên chở kỷ niệm?
Tôi viết những dòng này nhưng vẫn e điều đang bộc bạch là tâm thế của người không còn trẻ - những người lúc nào cũng e sợ thời gian đi qua còn mình thì ngẩn ngơ đứng lại?
Hay xưa nay những nhà văn viết cho trẻ con là những người không chịu lớn, cõi lòng kia chỉ chực chờ xao động khi ngoài trời bất chợt một chiều mưa?
NGUYỄN NHẬT ÁNH
Các tin, bài viết khác
-
3 “ngọc nữ” điện ảnh Việt quy tụ trong phim 1990
-
Đêm nhạc Phó Đức Phương được trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2020
-
Travel Blogger Lý Thành Cơ ra mắt sách chia sẻ bí quyết du lịch một mình
-
Mang câu chuyện lịch sử tới lễ hội áo dài
-
Nhất Sinh và những khúc ca ngọt ngào, chân quê
-
Khi Phan làm truyện tranh
-
Khoảng trống yêu thương
-
Khiêu vũ ở công viên
-
Cùng con đọc sách Việt
-
Lộ diện quán quân Dự án làm phim 48 giờ 2020