Những năm gần đây, việc khai thác cát tràn lan trên sông Krông Ana (Đắk Lắk) đã gây sạt lở nghiêm trọng hai bờ sông, làm mất đi hàng chục hécta đất nông nghiệp mỗi năm. Mặc dù UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo siết chặt quản lý nhưng việc thực hiện vẫn chưa nghiêm.
Bờ sông Krông Ana bị sạt lở nghiêm trọng vì nạn khai thác cát gần bờ. Ảnh: LÊ PHƯỚC
Sạt lở nghiêm trọng
Từ buôn M’liêng 2 (xã Đắk Liêng, huyện Lắk, Đắk Lắk), chúng tôi lên thuyền của anh M.T.V. đi dọc sông Krông Ana. Anh V. có kinh nghiệm chạy thuyền đã hơn 10 năm, từng chở các chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49 - Công an tỉnh Đắk Lắk) đi kiểm tra việc khai thác cát trên sông. Thuyền chạy chừng 10 phút, chúng tôi bắt gặp một chiếc tàu lớn đang cột dây vào bờ để hút cát. Trên tàu, 2 người đàn ông liên tục dùng gậy buộc vòi hút cát chọc sâu vào phần đất chân nền bờ sông khiến từng tảng đất lớn trên bờ đổ ầm ầm xuống sông. Cạnh đó, bờ sông đã bị sạt lở, ăn sâu vào bờ từ 15 - 20m. Thấy chúng tôi quay phim và chụp hình, những người này chẳng hề e ngại, vẫn hăng say tiếp tục công việc hút cát của mình.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi bắt gặp rất nhiều tàu thuyền lớn nhỏ đang hút cát gần bờ. Theo người dẫn đường, việc khai thác cát ven bờ kiểu như vậy đã xuất hiện từ nhiều năm nay vì hút cát gần bờ sẽ nhanh đầy thuyền hơn, đồng nghĩa với việc tiết kiệm chi phí về máy móc, xăng dầu. Thông thường, cứ vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm) trên sông Krông Ana lại rộn ràng tàu thuyền khai thác cát nhiều không kể xiết. Việc khai thác cát gần bờ đã gây sạt lở nghiêm trọng hàng chục hécta đất rẫy canh tác của người dân và đất đai bên bờ bị vùi sâu xuống lòng sông. Chỉ hơn 1 giờ đi dọc sông Krông Ana, chúng tôi đếm được hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng dài cả trăm mét. Trong đó có nhiều điểm bị khoét vào bờ hàng chục mét tạo thành các hố sâu, chỉ còn lại những cồn đất nhỏ bị cô lập giữa lòng sông. Hai bên bờ sông Krông Ana, hàng loạt cây trồng của người dân và cây xanh gần bờ bị mất chân, đổ dần xuống lòng sông.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các đơn vị được cấp phép khai thác trên sông Krông Ana đều đưa cát về tập kết ở chân cầu Giang Sơn (nằm trên quốc lộ 26, đoạn giáp ranh hai huyện Cư Kuin và Krông Bông). Tại đây, mỗi ngày có hàng chục lượt tàu thuyền đưa cát hút được từ sông lên bờ và hàng chục lượt xe chở cát đi tiêu thụ. Hai bên bờ sông xuất hiện vô số những “núi” cát khổng lồ, cứ vơi rồi lại đầy. Tiếng máy hút cát, tiếng máy nổ, máy múc hoạt động, tiếng ô tô tải, xe máy cày chở cát… rền vang hòa lẫn vào nhau, inh ỏi cả một khúc sông.
Khó quản lý?
Theo ông Đỗ Kim Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin, việc khai thác cát gần bờ sẽ gây sạt lở đất sản xuất và hủy hoại cảnh vật, môi trường hai bên bờ sông Krông Ana. Bên cạnh đó, việc khai thác không theo quy hoạch sẽ gây biến đổi dòng chảy, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Trên địa bàn xã Hòa Hiệp hiện có 2 đơn vị được UBND tỉnh cho phép khai thác cát trên sông Krông Ana là Hợp tác xã Giang Sơn và Công ty TNHH Hưng Vũ. Cách đây 2 năm, nhiều hộ dân trong xã đã kiến nghị về việc nhiều tàu bè hút cát gần bờ làm sạt lở bờ sông, mất hàng chục hécta đất sản xuất. Thậm chí, có thời điểm còn xuất hiện tình trạng doanh nghiệp mua đất sản xuất của người dân rồi cho tàu hút cát vào khai thác diện tích đó. Nhưng sau khi các ngành chức năng vào cuộc, tình trạng khai thác cát gần bờ đã lắng xuống.
Khi nghe chúng tôi phản ánh việc khai thác cát gần bờ sông Krông Ana vẫn tiếp tục diễn ra, ông Sơn trần tình: “Theo quy định, chính quyền địa phương phải thường xuyên kiểm tra, quản lý tình trạng khai thác cát của các đơn vị trên địa bàn. Nhưng thời gian qua, chúng tôi cũng thiếu quan tâm đến vấn đề này. Sau khi nắm được thông tin, chúng tôi sẽ cử cán bộ đi kiểm tra và kịp thời báo cáo sự việc lên các cấp có thẩm quyền để có phương án xử lý”.
Còn ông Văn Tiến Sỹ, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Cư Kuin cho hay, sau khi người dân phản ánh việc khai thác cát gần bờ gây sạt lở bờ sông, vào cuối năm 2014, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao cho các sở, ban ngành rà soát và cắm biển cấm khai thác tại các điểm sạt lở. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng có chủ trương đăng ký tàu thuyền của các đơn vị được cấp phép để dần siết chặt quản lý. Nhưng hiện tại, Phòng TN-MT huyện Cư Kuin vẫn chưa nắm được thông tin cụ thể về những đơn vị được tỉnh cấp phép khai thác cát trên sông Krông Ana thuộc địa bàn huyện quản lý đã hoàn thành việc đăng ký hay chưa, số lượng tàu bao nhiêu… Ông Sỹ cũng thừa nhận không thể quản lý được trữ lượng cát của các đơn vị khai thác được cấp phép trên địa bàn, tất cả số liệu đều dựa vào báo cáo của các đơn vị.
CÔNG HOAN - LÊ PHƯỚC