Tan nát đáy sông Sài Gòn

Bất kể ngày đêm, các đối tượng khai thác cát trái phép vẫn ngang nhiên sử dụng máy khoan công suất lớn khoan sâu hàng chục mét dưới đáy sông Sài Gòn (đoạn giáp ranh giữa TPHCM, Bình Dương và Tây Ninh) để hút cát. Hoạt động khai thác cát trái phép này tồn tại nhiều năm qua trước mặt chính quyền địa phương và các ngành chức năng.
Tan nát đáy sông Sài Gòn

Bất kể ngày đêm, các đối tượng khai thác cát trái phép vẫn ngang nhiên sử dụng máy khoan công suất lớn khoan sâu hàng chục mét dưới đáy sông Sài Gòn (đoạn giáp ranh giữa TPHCM, Bình Dương và Tây Ninh) để hút cát. Hoạt động khai thác cát trái phép này tồn tại nhiều năm qua trước mặt chính quyền địa phương và các ngành chức năng.

  • Lộng hành

0 giờ ngày 26-5, khu vực bờ sông Sài Gòn thuộc xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TPHCM) náo động bởi tiếng nổ của các máy hút cát. Men theo đường mòn dẫn từ đường Cây Gõ ra đến bờ sông thuộc ấp Chợ Cũ 2, chúng tôi thấy 6 chiếc ghe máy đang cập gần mép sông. Trên mỗi ghe, 3 đối tượng liên tục thay nhau điều khiển dây ga máy nổ và hì hục lay chuyển ống dẫn để cát chảy lên ghe.

Được nửa giờ, các ghe hút đầy cát và lưu thông đến một bãi cát tại xã An Tây (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đổ hàng, sau đó quay lại vị trí cũ tiếp tục hoạt động. Chỉ trong 2 giờ, những người khai thác cát trái phép đã hút được hơn 24 ghe cát, mỗi ghe khoảng 9-10 khối cát. Đến 3 giờ 30, phát hiện có ánh đèn pin pha từ đường Cây Gõ ra phía bờ sông, lập tức tiếng máy nổ từ các ghe tắt lịm.

Ông H., một người dân địa phương, rỉ tai: “Động rồi, tụi nó tinh lắm, có người canh ở đầu mỗi đường mòn dẫn ra sông. Khi thấy ánh đèn pin lóa qua hay tiếng chó sủa, những người canh chừng lập tức điện thoại báo để các ghe tắt máy nổ, chạy trốn”.

Sau khoảng 20 phút yên bình, sông Sài Gòn náo động trở lại với những âm thanh hỗn tạp phát ra từ các ghe hút cát. Đến 5 giờ sáng, số cát khai thác trong đêm tập kết tại bãi cát này được xe cẩu múc lên hai sà lan, vận chuyển về hướng xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi.

Bờ sông Sài Gòn, ấp Chợ Cũ 2 (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) bị sạt lở nghiêm trọng do nạn khai thác cát trái phép.

Bờ sông Sài Gòn, ấp Chợ Cũ 2 (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) bị sạt lở nghiêm trọng do nạn khai thác cát trái phép.

Không chỉ diễn ra ồ ạt ở khúc sông qua xã An Nhơn Tây, nạn khai thác cát trái phép còn hoạt động công khai cả ban ngày trên những đoạn sông qua các xã: Trung An, Phú Hòa Đông, Phú Mỹ Hưng, Bến Đình, An Phú, Hòa Phú (huyện Củ Chi, TPHCM), xã An Tây (huyện Bến Cát) và xã Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương)… Sau khi hút cát dưới sông, những người khai thác cát tập kết cát ở các bãi cát di động dọc bờ sông, sau đó dùng xe đào múc lên sà lan hoặc ghe lớn, vận chuyển bán cho các vựa tại xã Phú Hòa Đông.

Giám đốc một công ty xây dựng ở Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, cho biết: “Sở dĩ những người khai thác cát trái phép ngang nhiên chở bán cho các vựa ở Phú Hòa Đông là vì chủ những vựa cát này là ông Tâm, chồng một cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Củ Chi. Vì không muốn bị triệt đường làm ăn nên họ phải bán cát hút trộm dưới sông cho ông Tâm”.

  • Gặm bờ sông, gặm luôn ruộng vườn

Sông Sài Gòn bị khai thác cát trái phép ồ ạt hàng chục năm qua, làm trữ lượng cát dưới sông ngày càng cạn kiệt. Cát loại 1 (cát mịn để tô tường) đã bị tận thu. Để hút cát loại 2 (hạt cát lớn, dùng để xây), những người khai thác cát dùng máy khoan công suất lớn đâm sâu dưới đáy sông từ 6-16m mới hút được cát. Do đáy sông bị tan nát nên khiến hơn 76km bờ sông Sài Gòn đoạn qua huyện Củ Chi bị sạt lở nghiêm trọng, đê ngăn triều do người dân địa phương tu bổ hàng năm cũng nát theo, ruộng vườn của người dân ven sông bị “hà bá” nuốt chửng.

Chỉ vào ngọn dừa còn lấp ló trên mặt nước sông, cách bờ ruộng đang bị sạt lở 80m, lão nông Sáu Hòa ở ấp Chợ Cũ 2 thẩn thờ nói: “Mới vụ đông xuân năm rồi, gia đình còn mần lúa trên một công rưỡi đất ruộng ở chỗ ngọn dừa kia, nhưng giờ ruộng đã thành sông! Vụ tới đây chẳng biết lấy đất đâu để mần kiếm sống! Chưa hết, vườn cây ăn trái của tôi bắt đầu xuất hiện nhiều vết nứt rộng đến 20cm, có nguy cơ sạt lở nặng bất cứ lúc nào”.

Chủ sà lan chuyển cát từ bãi tập kết di động đến bán cho các vựa cát ở Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi).

Chủ sà lan chuyển cát từ bãi tập kết di động đến bán cho các vựa cát ở Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi).

Lão nông Sáu Hòa cho biết ruộng vườn của hàng chục hộ dân khác ở ven sông cũng lâm cảnh tương tự do những người khai thác cát tạo hàm ếch rộng ở phía dưới. Nạn khai thác cát trái phép dưới đáy sông Sài Gòn đang đẩy cuộc sống nông dân hai bên bờ vào ngõ cụt. Nhiều năm qua người dân địa phương đã đề nghị chính quyền địa phương và các ngành chức năng liên quan ngăn chặn nhưng đâu vẫn vào đấy, còn nỗi lo của dân ngày càng chồng chất.

Nói về biện pháp ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép tại địa phương, ông Nguyễn Văn Tèo, Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây, lắc đầu ngao ngán: “Xã đã làm hết cách rồi. Từ việc vận động người dân địa phương không tham gia khai thác cát trên sông, tạo công ăn việc làm cho hộ nghèo, truy đuổi những người khai thác cát, kiến nghị huyện và các đơn vị chức năng liên quan vào cuộc. Dù vậy vẫn chưa thể dẹp triệt để nạn hút cát trái phép trên sông Sài Gòn”.

Lý giải khó khăn, ông Tèo cho rằng do sông Sài Gòn đoạn này giáp ranh giữa huyện Củ Chi, TPHCM với nhiều xã, huyện của tỉnh Tây Ninh và tỉnh Bình Dương, do đó khi phát hiện có lực lượng chức năng địa phương bên này sông truy đuổi, những người khai thác cát trái phép chỉ cần lách sang bên kia sông.

Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Củ Chi Nguyễn Thanh Nguyên cho biết: “Mỗi tuần 1-2 lần, tổ môi trường của phòng phối hợp với lực lượng công an kinh tế của huyện tổ chức tuần tra, truy quét nạn khai thác cát trên sông. Tuy nhiên gần như chỉ “bắt cóc bỏ đĩa” do lực lượng chuyên ngành của huyện quá mỏng, trong khi hoạt động khai thác cát trái phép rất tinh vi, địa bàn lại phức tạp có nhiều mương rạch để trốn”.

Ông Nguyên cho biết sắp tới, phòng sẽ phối hợp đồng bộ với các huyện ven sông của hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh, đồng thời kết hợp chặt chẽ với Phòng Cảnh sát môi trường TPHCM (PC49) để có biện pháp ngăn chặn quyết liệt hơn. Song song đó, Phòng đã kiến nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM rà soát, việc cấp phép kinh doanh cát trên địa bàn để hạn chế nạn cát lậu. Về phía cơ quan cấp trên cần xem xét, điều chỉnh lại mức phạt đối với các trường hợp khai thác cát trái phép, bởi mức phạt tối đa 15 triệu đồng như hiện nay chưa đủ sức răn đe.

“Về thông tin ông Tâm, người thân một chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, chuyên mua cát lậu, Phòng sẽ xác minh, thẩm tra lại, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm” - ông Nguyên nói.

"Khi phát hiện lực lượng chức năng tuần tra, các đối tượng khai thác cát trái phép thường tháo van đáy ghe để nước tràn chìm ghe, xóa mất hiện trường. Thậm chí, nhiều đối tượng còn sử dụng vũ khí chống trả quyết liệt"

Ông NGUYỄN THANH NGUYÊN,
Trưởng phòng TN-MT huyện Củ Chi

TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục