Đó là phương án cải tạo, mở rộng Cảng hàng không (HK) Tân Sơn Nhất vừa được các bộ, ngành thống nhất lựa chọn để trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Đồng loạt mở rộng bãi đỗ, nhà ga, đường vào sân bay
Cảng HK Tân Sơn Nhất đang quá tải cả trên… trời lẫn dưới đất cũng là điều dễ hiểu, bởi lượng tải phục vụ tăng 30% (và sẽ còn tăng nữa trong 3 năm tới) so với công suất thiết kế. Tân Sơn Nhất hiện nay đang phải giải quyết nhiều hiện trạng, từ kẹt đường sân đỗ máy bay, thiếu vị trí đỗ máy bay, kẹt nhà ga sân bay, quá tải giao thông tại những trục đường dẫn vào sân bay…
Cảng hàng không Tân Sơn Nhất
Trước thực trạng này, Bộ Quốc phòng đã di dời toàn bộ hoạt động bay huấn luyện về sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Đồng thời, bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khu 21ha và khu 7,63ha đất quân sự để mở rộng sân đỗ máy bay. Nếu hai khu đất này được Bộ GTVT nhanh chóng đầu tư, sẽ nâng tổng vị trí đỗ máy bay của Tân Sơn Nhất lên 96 vị trí. Bộ Quốc phòng cũng đã đồng ý chủ trương cho Cục Hàng không triển khai dự án xây dựng nhà ga lưỡng dụng, công suất 10 triệu hành khách/năm trên khu đất 3ha được bên quốc phòng bàn giao.
Hiện Công ty cổ phần lưỡng dụng Ngôi Sao Việt đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, được Cục Hàng không góp ý, Quân chủng Phòng không Không quân thẩm định và đã báo cáo Bộ Quốc phòng.
Dự kiến, dự án sẽ khởi công ngay trong quý 1-2017 và hoàn thành sau 12 tháng. Tổng công suất thiết kế của nhà ga T1, nhà ga T2 và nhà ga lưỡng dụng sẽ đạt khoảng 38 triệu hành khách/năm. Ngoài ra, các cơ quan cũng đang hoàn tất thủ tục để chuẩn bị phương án xây mới nhà ga hành khách T4 tại khu đất của sư đoàn 370, trung đoàn 918 đang quản lý sử dụng. Với diện tích khu đất khoảng 15ha, nhà ga T4 sẽ có công suất 10 triệu hành khách/năm và khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất toàn bộ nhà ga của Cảng HK Tân Sơn Nhất lên 45 - 48 triệu hành khách/năm.
Để kết nối giao thông vào nhà ga T4, sẽ mở đường Cộng Hòa qua Sư đoàn 370 để làm đường tiếp cận ra - vào nhà ga. Đoạn này đang là đường nội bộ trong khuôn viên Sư đoàn 370 với chiều rộng làn đường khoảng 10,5m, kết cấu bê tông nhựa và đang hoạt động tốt. Như vậy, nếu các dự án này hoàn tất, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ giải quyết được tình trạng quá tải tại nhà ga hiện hữu.
Về phía TPHCM, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết, trong năm 2017, Sở GTVT TPHCM sẽ triển khai 6 dự án với tổng vốn đầu tư 1.380 tỷ đồng. Trong đó, 2 dự án được làm theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng sẽ hoàn thành trong năm nay là cầu vượt bằng thép tại nút giao thông Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (quận Tân Bình) với kinh phí 242 tỷ đồng và cầu vượt tại vòng xoay nút giao thông Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp - quận Phú Nhuận) với kinh phí 504 tỷ đồng. Bốn dự án còn lại gồm: dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám - đoạn gần đường Phổ Quang (quận Phú Nhuận); mở rộng đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) - đoạn cạnh nút giao thông Lăng Cha Cả; đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) - đoạn từ Cộng Hòa vào sân bay và mở rộng đoạn đường Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình). Bên cạnh đó, tuyến đường trên cao số 1 từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm Sài Gòn dự kiến được khởi công trong năm 2017 với tổng mức đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng. Tuyến đường này bắt đầu từ nút giao Lăng Cha Cả, chạy dọc đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long nối dài - giao với đường Điện Biên Phủ. Sau đó sẽ có một nhánh xuống nút giao đường Điện Biên Phủ. Nhánh còn lại sẽ đi theo đường Ngô Tất Tố và kết thúc ở cầu Phú An (phường 22, quận Bình Thạnh). Tổng chiều dài của tuyến đường là 9,5km. Theo tính toán của chủ đầu tư, dự án có tổng vốn 15.000 - 16.000 tỷ đồng, bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (khoảng 6.000 tỷ đồng) với hình thức đầu tư được đề xuất là BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Và phương án mở rộng sân bay
Để giải quyết tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian chờ xây dựng sân bay Quốc tế Long Thành, tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới đây, đơn vị tư vấn đã trình 3 phương án. Theo đó, phương án 1 sẽ xây dựng mới toàn bộ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga và các công trình phụ trợ trên diện tích khu vực sân golf phía Bắc Cảng HK và giải phóng thêm các khu vực dân cư xung quanh để đảm bảo khai thác. Với phương án này, có thể nâng tổng công suất lên khoảng 60 triệu khách/năm, nhưng mất từ 10 - 15 năm xây dựng, giải toả hơn 140.000 hộ dân, chi phí dự kiến khoảng 201.350 tỷ đồng.
Phương án 2 sẽ xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh hiện nay và sân đỗ; xây đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa hai đường cất hạ cánh, cải tạo đường cất hạ cánh phía Bắc hiện nay (đường 25L/07R). Cùng với đó sẽ xây dựng đường lăn song song và sân đỗ máy bay phía Bắc, xây dựng nhà ga lưỡng dụng (quân sự - dân sự) T3 công suất 10 triệu hành khách, xây dựng nhà ga hành khách T4 công suất 10 triệu hành khách. Theo phương án này, sẽ mất khoảng 61.000 tỷ đồng, thời gian xây dựng từ 8 - 10 năm, nâng công suất sân bay lên khoảng 43 - 45 triệu hành khách/năm.
Phương án 3 là xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa hai đường cất hạ cánh; cải tạo đường cất hạ cánh phía Bắc hiện nay (đường 25L/07R); xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách/năm, xây dựng nhà ga hành khách T4, công suất 10 triệu khách/năm ở khu vực phía Nam sân bay hiện nay. Với phương án này, do sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội nên chỉ tốn khoảng 19.700 tỷ đồng và thời gian xây dựng không quá 3 năm, trong khi vẫn đảm bảo được công suất từ 43-45 triệu hành khách/năm. Và Phó Thủ tướng cùng các bộ ngành đã thống nhất chọn phương án 3 để sớm hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, nhanh nhất cũng phải 3 năm nữa, Cảng HK Tân Sơn Nhất mới giải quyết được cơ bản tình trạng quá tải. Sau đó, khi Cảng HK quốc tế Long Thành hoàn tất, Tân Sơn Nhất sẽ phục vụ các chuyến bay nội địa và các chuyến bay trong khu vực. Vấn đề là dự án Cảng HK quốc tế Long Thành cũng cần chuyển động nhanh, bởi theo đà phát triển đường không hiện nay, dự án Long Thành càng chậm trễ, Tân Sơn Nhất sẽ lại rơi vào quá tải trong tương lai gần.
ĐỖ TRÀ GIANG