Tận tâm với người bệnh

Vững vàng trong chuyên môn, tận tâm với người bệnh, đó là ấn tượng sâu sắc của nhiều bệnh nhân khi nhắc đến bác sĩ chuyên khoa 1 Mai Phú Cường, Trưởng trạm Y tế xã An Long (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp).
Bác sĩ Mai Phú Cường dặn dò bệnh nhân sau khi điều trị
Bác sĩ Mai Phú Cường dặn dò bệnh nhân sau khi điều trị
Kỷ niệm đẹp với người thầy thuốc 
Năm 2002, bác sĩ Mai Phú Cường ra trường và được phân công làm việc tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông. Hơn 1 năm sau, anh được chuyển về công tác tại Trạm Y tế xã Tân Công Sính; đến năm 2005 lại chuyển công tác đến Trạm Y tế xã Phú Đức và năm 2006 đến Trạm Y tế xã Phú Thọ. Lúc bấy giờ, cơ sở vật chất lẫn nhân lực, y cụ và thuốc men của các trạm y tế rất thiếu thốn; việc đi lại khó khăn, đường đất nên trời mưa là không đi lại bằng xe được, đến mùa nước nổi, đường ngập sâu phải dùng xuồng, đi tiêm ngừa phải lội nước từng nhà… Do vậy, việc thực hiện các chương trình y tế quốc gia gặp không ít trở ngại. 
Một tối, bác sĩ Cường đang trực tại Trạm y tế Tân Công Sính. Trời mưa, dông gió ầm ì, có một thanh niên mình ướt sủng, tay chân run rẩy, đẩy cửa phòng trực miệng lắp bắp nói không ra lời vì sốt nặng. Bác sĩ Cường dìu anh nằm xuống giường khám bệnh và tiêm thuốc cho anh. Hồi sau, bệnh nhân thuyên giảm và xin được về nghỉ ở chòi lá dựng tạm trên bờ đê giữa đồng ruộng để sáng mai đi cắt lúa mướn. Thấy anh còn yếu nên bác sĩ Cường giữ anh ở lại trạm để tiện theo dõi và chăm sóc. Sáng sớm, bác sĩ Cường mua cháo cho bệnh nhân ăn rồi khám bệnh, tiêm thuốc và đưa thêm vài ngày thuốc uống mà không thu tiền. Biết bệnh nhân này ở tận tỉnh Vĩnh Long lên xã Tân Công Sính cắt lúa mướn, chẳng may bị sốt và không có tiền chữa bệnh, bác sĩ Cường dùng tiền của mình thanh toán toàn bộ chi phí thuốc thang, cháo, nước của bệnh nhân này cho trạm y tế. 
Khoảng một tháng sau, người thanh niên ấy trở lại trạm y tế xã gặp bác sĩ Cường, tặng hai con cá lóc to, nói rằng mong bác sĩ nhận để anh được tỏ lòng cảm kích, biết ơn. Bác sĩ Cường tâm sự: “Kỷ niệm đẹp với người thầy thuốc ở nông thôn đơn sơ mà ấm áp tình người như vậy đó. Đó cũng là niềm động viên cho mình có niềm vui với nghề”. Thương bà con vùng sâu và nặng lòng với người bệnh, nên anh gắng bám trụ, vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho người dân, hoàn thành nhiệm vụ được giao. 
Được người dân tin tưởng, quý mến
Năm 2012, bác sĩ Cường hoàn thành chương trình sau đại học và được phân công làm Trưởng trạm Y tế xã An Long cho tới nay. Anh dặn lòng: Bác sĩ phải chăm lo chu đáo, tuyệt nhiên không được gây phiền hà, sách nhiễu, không được khám bệnh qua loa dù chỉ là một bệnh bình thường, và phải đảm bảo cho người bệnh thụ hưởng những dịch vụ y tế hiện đại. Bác sĩ Cường đã thực hiện tốt phương thức xã hội hóa trang bị những máy móc, thiết bị cận lâm sàng cần thiết để hỗ trợ cho việc chẩn đoán và chữa bệnh, như: máy xét nghiệm sinh hóa và huyết học, máy siêu âm, máy đo điện tim, tổng phân tích nước tiểu, test nhanh sốt xuất huyết, nhồi máu cơ tim, ung thư gan và các loại y cụ, thuốc men… Từ đó, ngày càng có nhiều người dân đến khám và chữa bệnh tại Trạm Y tế xã An Long. Bà Dương Thị Kim Nguyên, mắc nhiều chứng bệnh (huyết áp, đau bụng…), cho biết: “Trước kia, tôi đăng ký ở bệnh viện tuyến trên. Nhưng rồi thấy đi tuyến trên xa và tốn kém, trong khi Trạm Y tế xã An Long cũng có đầy đủ thiết bị, nên tôi đăng ký khám ở đây. Bác sĩ Cường và các bác sĩ, y tá khác rất tận tình, điều trị hiệu quả”.
Số người đến Trạm Y tế xã An Long khám chữa bệnh ngày càng đông; tính riêng năm 2017, trạm y tế này đã khám và điều trị gần 25.000 lượt người bệnh, tăng 75% so với năm 2016. Trạm Y tế xã An Long đã đạt chuẩn quốc gia, đưa xã An Long vươn lên thành điểm sáng về các chương trình y tế quốc gia của huyện Tam Nông. Để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn ngày càng có hiệu quả cao, bác sĩ Cường đã tích cực cùng với đồng nghiệp tìm hiểu và tham gia nghiên cứu khoa học. Thầy thuốc ưu tú - bác sĩ Trần Hữu Trí, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, nhận xét: “Bác sĩ Mai Phú Cường là một trong những chiến sĩ thầm lặng của ngành y tế địa phương. Là một con người nhiệt tình, có trách nhiệm trong công việc, luôn đặt y đức lên hàng đầu, anh xem người bệnh như người thân của mình. Anh làm việc quên mình để chăm lo sức khỏe nhân dân, hết lòng vì sự nghiệp phát triển ngành y tế địa phương, là người có tâm huyết trong nghiên cứu khoa học và xứng đáng là tấm gương lương y như từ mẫu”.

Tin cùng chuyên mục