Tán thành luật hóa các quy định về phí và lệ phí

(SGGPO).- Tại phiên họp chiều 6-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất luật hóa các quy định về phí và lệ phí.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Pháp lệnh phí và lệ phí được ban hành ngày 28/8/2001 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2002. Qua 13 năm thực hiện, đến nay nhiều khoản phí và lệ phí không còn phù hợp, cần điều chỉnh, bổ sung. Bên cạnh đó, việc rà soát, hệ thống hóa và luật hóa các quy định về phí và lệ phí còn nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với Chiến lược cải cách thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Xuất phát từ quan điểm trên, dự thảo Luật quy định về danh mục phí và lệ phí; người nộp, tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí; nguyên tắc xác định mức thu; chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí và lệ phí; thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong quản lý phí và lệ phí.

Cụ thể, để khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, dự thảo quy định theo hướng chỉ các dịch vụ công liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý nhà nước (công việc chỉ có cơ quan nhà nước thực hiện) như: phí phòng dịch y tế, phí thẩm định cấp giấy phép hành nghề... thì mới quy định thu phí. Với nguyên tắc này, Chính phủ tiếp tục rà soát và chuyển 19 khoản phí trong danh mục sang thực hiện theo cơ chế giá.

Danh mục lệ phí kèm theo dự thảo Luật cũng có nhiều thay đổi so với trước, gồm 39 khoản. Trong đó, 30 khoản lệ phí kế thừa danh mục lệ phí hiện hành và «gom về một mối» thêm 09 khoản lệ phí đang được quy định tại các luật chuyên ngành.

Về nguyên tắc xác định mức thu, dự thảo quy định: (i) Mức thu phí đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư phải bảo đảm bù đắp chi phí, thu hồi vốn, có tính đến những chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ; (ii) Mức thu phí đối với các dịch vụ do tổ chức, cá nhân đầu tư vốn phải bảo đảm thời gian thu hồi vốn, có lợi nhuận định mức, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp.

Đối với lệ phí, dự thảo kế thừa quy định hiện hành quy định: Mức thu lệ phí được ấn định trước đối với từng công việc, không nhằm mục đích bù đắp chi phí; riêng mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản trước bạ.

Để đảm bảo thống nhất với Luật NSNN và khắc phục tồn tại của pháp luật về phí, lệ phí hiện hành, tại dự thảo Luật quy định như sau về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí:

1. Phí thu được từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện là khoản thu thuộc NSNN, không phải chịu thuế (thuế GTGT và thuế TNDN). Đơn vị thu được để lại một phần tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp NSNN  theo quy định của pháp luật.

2. Phí thu được từ các hoạt động dịch vụ do DNNN thực hiện là khoản thu thuộc NSNN, không chịu thuế GTGT. DN được để lại một phần tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ thu phí; phần còn lại nộp NSNN theo quy định. Số tiền được để lại DN hạch toán vào doanh thu và khai nộp thuế TNDN theo quy định pháp luật về thuế. 

3. Phí thu được từ các dịch vụ không do Nhà nước đầu tư hoặc do Nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán là khoản thu không thuộc NSNN, phải chịu thuế (thuế GTGT và thuế TNDN). Tổ chức, cá nhân thu phí có quyền quản lý, sử dụng số tiền thu được theo quy định của pháp luật sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục