Tăng cường đưa rau và gia vị Việt sang châu Âu

Sáng 6-5 tại Hà Nội, Tổ chức Oxfam và Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp tổ chức Hội thảo Khởi động Dự án Tăng cường năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, xuất khẩu rau quả là lợi thế của Việt Nam. “Hiện đang có sự chuyển dịch rõ nét về tỷ trọng hàng rau quả Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ tăng cao, còn sang châu Á đang giảm” - ông nói.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo

Theo ông Hoàng Quang Phòng, sau thời gian dài phong tỏa để ứng phó đại dịch Covid-19, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, thực phẩm, nhất là rau củ quả của thị trường EU đang rất lớn. “Nhu cầu tiêu dùng rau quả nhiệt đới mới lạ tại EU tăng cao, trong đó, sản phẩm rau quả tươi tăng khoảng 20-25%, sản phẩm chế biến tăng hơn 30%” - Phó Chủ tịch VCCI nói.

Mặc dù được đánh giá là có rất nhiều lợi thế, song Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, mặt hàng rau quả Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết cơ hội của thị trường EU, hiện mới chỉ chiếm trên dưới 1% nhu cầu của thị trường này. Theo ông, cùng với những hạn chế về cơ cấu mặt hàng chưa cân đối, sản lượng và chất lượng chưa ổn định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang gặp những khó khăn trong tiếp cận thị trường châu Âu như: thiếu thông tin và nhân lực để đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng của châu Âu, thiếu khả năng tiếp cận thị trường này.

Nông dân miền Tây trồng ớt để làm gia vị xuất khẩu. Ảnh do Bộ NN-PTNT cung cấp

Vì vậy, Oxfam và VCCI đã phối hợp xây dựng Dự án Tăng cường năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành rau quả và gia vị Việt Nam. Dự án đã được Liên minh châu Âu cấp 80% kinh phí để triển khai trong hai năm 2022 và 2023. 

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp chia sẻ muốn tìm hiểu thông tin để xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trong đó có mặt hàng rau và gia vị vào thị trường khó tính nhưng còn rất nhiều dư địa và có giá bán cao này... Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản cũng như tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh và chất lượng, tìm kiếm đối tác... 

Theo bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, mục tiêu của dự án này là tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng doanh số xuất khẩu vào EU thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định của thị trường EU, chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về an toàn thực phẩm, thực hành bền vững, nâng cao danh tiếng của các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu...

Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

“Mục tiêu cụ thể hơn là tiếp sức cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả và gia vị, cung cấp cho doanh nghiệp các gói hỗ trợ chuyên sâu, cập nhật thông tin tiêu chuẩn chất lượng, các quy định về EVFTA… đồng thời hỗ trợ chuyển đổi số để doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu mặt hàng này vào EU” - bà Vũ Thị Quỳnh Hoa nói.

Năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường châu Âu và châu Mỹ đều có tốc độ tăng trưởng cao, trong đó xuất khẩu sang châu Âu đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2020; sang châu Mỹ đạt 271 triệu USD, tăng 29,1% so với năm 2020. Nhờ vậy, thị phần của châu Âu trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam đã tăng lên 8,5% trong năm 2021; thị phần của châu Mỹ tăng lên 7,6%. Trong khi đó, thị phần của châu Á giảm từ mức 82,2% xuống còn 80%, chủ yếu là do thị trường Trung Quốc bị giảm về thị phần trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam.

Năm 2022, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang EU được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo sẽ tăng khoảng 10-15% nhờ tận dụng tốt EVFTA. Hiện dung lượng nhập khẩu mặt hàng rau quả của thị trường EU lên tới khoảng 100 tỷ USD/năm. 

Tin cùng chuyên mục